Trong vụ việc khiếu nại CGV mới đây, giới hạn phân tích trong những thông tin công khai, có thể thấy đường nét những miếng ghép của một vụ việc bóp nghẹt lợi nhuận.

Với những than phiền gần đây của các doanh nghiệp điện ảnh, có vẻ như bóng ma của một cuộc chiến thứ hai về hạn chế cạnh tranh lại ám ảnh thị trường phim chiếu rạp, chỉ chừng hơn một năm sau ngày các ông chủ mới của MegaStar đồng ý ký cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong tương lai, để đổi lấy việc rút đơn của bên khiếu nại và qua đó chấm dứt vụ việc tố tụng cạnh tranh kéo dài 5 năm trong ngành điện ảnh. Lại những đối thủ cũ, chiến trường xưa, lần này chỉ có chút thay đổi về nội dung tranh chấp.

Nếu như năm 2010, MegaStar bị cáo buộc sử dụng quyền lực thị trường từ việc nắm quyền phát hành (đối với phim nhập khẩu) để gia tăng lợi thế cho các rạp chiếu phim của mình, thì lần này, với tên gọi mới CGV, cũng doanh nghiệp đó lại bị cáo buộc sử dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường rạp chiếu phim để áp đặt giá bất hợp lý lên các nhà phát hành, giúp mảng kinh doanh phát hành (phim trong nước) của mình tận thu.

Khi các cơ quan tố tụng cạnh tranh còn chưa chính thức quyết định bắt đầu vụ việc mới, có lẽ còn quá sớm để kết luận chắc chắn có hay không hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, có thể thấy những ngập ngừng trong việc vận dụng một hay một số điều khoản cụ thể của Luật Cạnh tranh 2004 để chạm vào bản chất hạn chế cạnh tranh trong một vụ việc như thế này.

{keywords}
Trong vụ việc khiếu nại CGV mới đây, giới hạn phân tích trong những thông tin công khai, có thể thấy đường nét những miếng ghép của một vụ việc bóp nghẹt lợi nhuận. Ảnh: Trithuctre

Theo quan điểm của chúng tôi, vụ việc mới đây, cũng giống như vụ việc đã kết thúc, cần được phân tích dưới góc độ của hành vibóp nghẹt lợi nhuận (margin squeeze), một hành vi bị đa số các quốc gia có hệ thống pháp luật cạnh tranh phát triển coi là phạm pháp.

Bóp nghẹt lợi nhuận được định nghĩa là hành vi của một doanh nghiệp có tham gia cạnh tranh trên cả thị trường đầu nguồn (upstream market) và thị trường cuối nguồn (downstream market), và lạm dụng vị trí thống lĩnh sẵn có trên thị trường đầu nguồn để nâng giá đến sát mức giá bán sản phẩm trên thị trường cuối nguồn. Khách hàng tại thị trường đầu nguồn - đồng thời là đối thủ cạnh tranh trên thị trường cuối nguồn – của doanh nghiệp đó sẽ bị thu hẹp biên độ lợi nhuận vì bị áp giá đầu vào cao nhưng phải giữ giá đầu ra ở mức cạnh tranh.

Bị bóp nghẹt lợi nhuận, các doanh nghiệp đó không thể tồn tại lâu dài, và kết quả là doanh nghiệp vi phạm sẽ trở thành thống lĩnh hay độc quyền hoá luôn tại thị trường cuối nguồn. Hành vi bóp nghẹt lợi nhuận thường được doanh nghiệp kinh doanh đa ngành ưa thích, vì nó giúp doanh nghiệp nhanh chóng bành trướng quyền lực thị trường ra các một chuỗi ngành nghề, lĩnh vực có liên quan.

Quan điểm của Uỷ ban Châu Âu (EC - 2009/C 45/02) hay Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD - DAF/COMP(2009)36) đều thống nhất trong việc khẳng định bóp nghẹt lợi nhuận là một hành vi hạn chế cạnh tranh phạm pháp, và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng nếu như cơ quan công quyền không ngăn chặn kịp thời. Một loạt các quốc gia thành viên của hai tổ chức này đã tiến hành các vụ điều tra chống độc quyền liên quan đến bóp nghẹt lợi nhuận, với mức phạt dành cho doanh nghiệp vi phạm lên đến hàng trăm triệu euro.

Trong vụ việc khiếu nại CGV mới đây, giới hạn phân tích trong những thông tin công khai, có thể thấy đường nét những miếng ghép của một vụ việc bóp nghẹt lợi nhuận. Chúng ta có ở đây một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường đầu nguồn cung cấp dịch vụ rạp chiếu phim, đồng thời cạnh tranh trên thị trường cuối nguồn là thị trường phát hành phim với những nhà phát hành khác đang phải phụ thuộc vào hệ thống rạp chiếu của nó.

Chúng ta nghe được những lời than phiền của những nhà phát hành đó khi bị áp đặt mức giá theo họ là trái lẽ thông thường, cùng với nỗi sợ hãi bị triệt tiêu trong tương lai. Chúng ta thấy doanh nghiệp trong tầm ngắm, cho dù bị khiếu nại nhiều lần, vẫn ngày càng trở nên đáng sợ hơn với thị phần gia tăng nhanh chóng trên cả hai thị trường nó tham gia. Vì ai cũng biết, xu hướng tập trung hoá, tích tụ sức mạnh của một hay một số ít doanh nghiệp lớn, luôn luôn đặt ra nguy cơ cho sự vận hành lành mạnh của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, để từ những dấu hiệu đó đi đến kết luận về hạn chế cạnh tranh còn một quãng đường dài, đòi hỏi những tính toán kinh tế phức tạp chạy trên hai thị trường liên quan tích hợp, những mô hình giả lập về xu hướng cạnh tranh trong tương lai, cũng như chứng cứ, số liệu về những hoạt động kinh doanh cụ thể mà chỉ có thể thu được từ một cuộc điều tra chính thức của cơ quan công quyền.

Quan trọng hơn, Luật Cạnh tranh của Việt Nam, với cách tiếp cận bó hẹp trong cấu thành những hành vi cụ thể thay vì bản chất hạn chế cạnh tranh của chúng, lại chưa có quy định rõ ràng về hành vi bóp nghẹt lợi nhuận. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho vụ việc năm 2010, với những tình tiết không quá khác biệt, lại kéo dài nhiều năm mà không đạt được một kết quả triệt để.

Giải pháp trước mắt nên vận dụng những quy định hiện có của Luật Cạnh tranh để chia nhỏ đánh giá từng yếu tố cụ thể của vụ việc. Như OECD đã khuyến nghị, nếu không xét đến margin squeeze như một hành vi cạnh tranh đặc thù, vẫn có thể phân tích và xử lý nó với góc độ định giá huỷ diệt (predatory pricing), phân biệt đối xử (discrimination) hay từ chối giao dịch (refusal to deal).

Trong vụ việc cụ thể này, cơ quan cạnh tranh hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc điều tra tố tụng cạnh tranh đầy đủ để có được những số liệu cần thiết nhằm xác minh lợi nhuận mà CGV áp đặt có cấu thành một trong các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm tại Điều 13 của Luật, như bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh theo Khoản 1; áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý theo Khoản 2; hay áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh theo Khoản 4 hay không.

Về lâu dài, không thể trì hoãn việc sửa đổi Luật Cạnh tranh để phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như đòi hỏi của thực tiễn môi trường cạnh tranh trong nước. Đạo luật này đã được ban hành từ hơn một thập kỷ trước, khi chúng ta chưa có WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do, cũng như chưa nhìn thấy viễn cảnh của một TPP trong tương lai.

Các rào cản nay ngày một ít dần, các cánh cửa ngày một mở rộng hơn cho những ông lớn tràn trề sức mạnh kinh tế và vô cùng thành thạo các thủ đoạn thị trường tiến vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nếu không luôn thường trực một tâm thế không ngừng hoàn thiện các luật chơi, và quan trọng hơn, thực thi chúng một cách không khoan nhượng, thì chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những vụ việc như trên đây không ngẫu nhiên mà lặp lại trong tương lai, với tần suất nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, và không giới hạn chỉ ở trong ngành điện ảnh.

Đoàn Tử Tích Phước (Nguyên Điều tra viên cạnh tranh của Bộ Công Thương)