“Công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học
Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), khu bảo tồn biển là: “Khu vực được xác định và quản lý hiệu quả để bảo vệ các hệ sinh thái biển, các quá trình, môi trường sống và các loài, có thể góp phần khôi phục và bổ sung các nguồn tài nguyên cho sự phong phú về xã hội, kinh tế và văn hóa”.
Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển”. Việc bảo tồn đa dạng sinh học biển không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là duy trì, bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật biển mà nó có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Quan điểm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản của các loài thủy sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống được quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây.
Bộ quy tắc ứng xử về nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO 2003) đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ các khu vực là nơi sinh sản, nơi sinh cư của các loài thủy sản gắn liền với việc bảo vệ hệ sinh thái biển và ven biển.
Khu bảo tồn biển được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và mang lại cơ hội sinh sống, sinh sản cho những loài thủy sản. Do “hiệu ứng tràn” nên nguồn lợi thủy sản nói riêng và các loài thủy sinh vật nói chung được bổ sung cho các vùng biển lân cận khu bảo tồn biển. Nhờ đó, chúng ta có thể duy trì sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển.
Khu bảo tồn biển còn là nơi dành cho giáo dục và nghiên cứu khoa học; tổ chức một số hoạt động du lịch và cung cấp sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Trong môi trường sống ngày càng nhiều áp lực do những vấn đề về kinh tế, môi trường, việc tìm về với thiên nhiên, với biển đang là một xu hướng hiện nay và tương lai.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn biển ngày càng được hoàn thiện
Vì vậy, những giá trị kinh tế của các khu bảo tồn biển đem lại từ hoạt động thăm quan, du lịch là rất lớn. Du lịch biển là ngành quan trọng trong tổng thể nền kinh tế biển của Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào GDP quốc gia, còn tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động, bao gồm cả lao động chuyên nghiệp trong ngành du lịch và lao động xã hội gián tiếp. Phát triển du lịch biển cũng tạo điều kiện, cơ hội cho việc nâng cao trình độ nhân lực trong ngành, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động việc làm cho người dân ven biển.
Thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn biển ngày càng được hoàn thiện, trong đó đáng lưu ý là việc ban hành các đạo luật như Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Thủy sản (năm 2003 và 2017), Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993, 2005, 2014, 2020),... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo tồn biển và bảo vệ môi trường biển.
Thực hiện Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 6 năm 2021, đã có 09/16 khu vực biển được khoanh vùng quản lý trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên. Bao gồm:
05 khu bảo tồn biển (Bạch Long Vĩ, Hải Phòng; Cồn Cỏ, Quảng Trị; Lý Sơn, Quảng Ngãi; Hòn Cau, Bình Thuận; Phú Quốc, Kiên Giang) và 04 khu vực biển thuộc vườn quốc gia trong hệ thống rừng đặc dụng (Bái Tử Long, Quảng Ninh; Cát Bà, Hải Phòng; Núi Chúa, Ninh Thuận; Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu); 05 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch chi tiết nhưng chưa được thành lập (Cô Tô - Đảo Trần, Quảng Ninh; Hòn Mê, Thanh Hóa; Nam Yết, Khánh Hòa; Phú Quý, Bình Thuận; Hải Vân - Sơn Trà, Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế); 02 vùng biển đã được quản lý, hoạt động như khu bảo tồn biển (Cù Lao Chàm, Quảng Nam; vịnh Nha Trang, Khánh Hoà) nhưng chưa có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền.
Theo Báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), tỷ lệ diện tích tự nhiên vùng biển được khoanh vùng bảo vệ đến năm 2020 tại Việt Nam (bao gồm các khu bảo tồn biển, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản) là 6.840 km2, chiếm khoảng 0,684% diện tích biển quốc gia.
Trong khi đó, trong hơn 2 thập kỷ qua diện tích các khu bảo tồn biển (MPA) trên toàn thế giới đã tăng hơn 10 lần, lên đến 26.225.678 km², chiếm 7,2% diện tích đại dương. Tổng diện tích quy hoạch bảo tồn, bảo vệ thời kỳ 2021 – 2030 theo dự thảo Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là khoảng 2.791 km2, chiếm khoảng 2,79% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, như vậy còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thấp hơn nhiều so với Sáng kiến mục tiêu “30% diện tích đại dương được bảo vệ vào năm 2030” mà Việt Nam tham gia.
Như vậy, có thể thấy hệ thống các khu bảo tồn biển đang dần được hình thành trên phạm vi cả nước, đáp ứng ngày càng hiệu quả mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.
TS.Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, thời gian qua, công tác thực thi pháp luật tại các khu bảo tồn biển ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, đạt hiệu quả tích cực, góp phần từng bước đẩy lùi các các vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển.
Nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về bảo tồn biển ngày càng được nâng cao, tạo thuận lợi cho việc triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến bảo tồn biển. Một số khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có hợp phần biển đã bước đầu tự chủ về tài chính, thực hiện các dịch vụ công, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn, tạo nguồn tài chính chủ động phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển đã được thực hiện và đạt được kết quả quan trọng bước đầu. Tổ chức bộ máy, nhân lực quản lý và tham gia bảo tồn biển đã được xây dựng và ngày càng củng cố.