{keywords}
 

Với những người đang chờ đợi Mate 30 và P40, Huawei mang đến tin xấu: họ đã cạn kiệt chip Kirin. Thứ Sáu tuần trước, Richard Yu, Chủ tịch bộ phận tiêu dùng Huawei, chia sẻ tin tức này trong một hội thảo. Nó chắc chắn gây ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh smartphone. Chip Kirin giúp Huawei bắt kịp với Qualcomm và Apple.

Ông Yu thừa nhận “đây là tổn thất to lớn với chúng tôi” trong sự kiện China Info 100. Công ty không thể sản xuất chip Kirin sau ngày 15/9 do lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Mỹ cấm các doanh nghiệp sử dụng công nghệ Mỹ để bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép đặc biệt. Điều đó đồng nghĩa HiSilicon – công ty con của Huawei – không thể sử dụng phần mềm thiết kế từ các đối tác Mỹ như Cadence Design System hay Sypnopsys. Họ cũng không thể mua chip từ nhà cung ứng chính TSMC, vốn đang dùng thiết bị của Mỹ.

Huawei là một trong số ít nhà sản xuất smartphone tự thiết kế chip di động, số còn lại phụ thuộc vào giải pháp do Qualcomm cung cấp. Điều này giúp Huawei thiết kế chip theo ý muốn để phù hợp với thiết bị. Theo nhà phân tích Ethan Qi của Counterpoint, chip tự phát triển của Huawei đạt được nhiều thành tựu trong kết nối không dây, điện toán trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý hình ảnh. Có thể nói, Kirin là động lực thúc đẩy tăng trưởng smartphone Huawei. Chuyên gia nhận định Huawei đang dần chuyển sang các đối tác bên ngoài như MediaTek và UNISOC từ năm sau nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ.

Nó cũng ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Huawei tại Trung Quốc vì công ty mất lợi thế trong giới thiệu tính năng mới trên thị trường. Theo nhà phân tích Mo Jia của Canalys, Huawei đánh bại đối thủ khi ra mắt các tính năng như xử lý ảnh hậu kỳ dựa trên AI, cải thiện chụp ảnh HDR, nhận diện vật thể… Nhiếp ảnh là một trong các điểm mà Huawei có thể tự hào. Họ thậm chí còn kết hợp với thương hiệu Leica danh tiếng của Đức cho dòng smartphone P.

Hiệu suất của Kirin cũng được đánh giá cao khi không thua kém các chip Snapdragon flagship của Qualcomm hay dòng chip A của Apple. Dòng chip Kirin 990 5G mới nhất được sản xuất trên quy trình 7nm hiện đại nhất của TSMC. Trong khi đó, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc – SMIC – hiện tại mới chỉ sản xuất trên quy trình 14nm lỗi thời. Samsung Galaxy S6 phát hành đầu năm 2015 là một trong số các smartphone đầu tiên trang bị chip 14nm.

Cạn kiệt chip Kirin là “cú đấm” tiếp theo giáng vào Huawei trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Từ năm 2019, Huawei đã không còn được sử dụng dịch vụ Google, gây thiệt hại tới doanh số tại thị trường quốc tế. Công ty vẫn tăng trưởng là nhờ vào sự bùng nổ tại quê nhà với 46% thị phần trong quý II, nhiều hơn thị phần Vivo, Oppo và Xiaomi gộp lại.

Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước, một yếu tố khiến Huawei được đón nhận tại Trung Quốc chính là chip Kirin. Thiết kế chip riêng cho Huawei quyền kiểm soát khi nào ra mắt smartphone cao cấp. Nay, tình hình đã thay đổi. “Nếu Huawei chuyển sang Qualcomm hay MediaTek, lợi thế sẽ biến mất”, chuyên gia Jia nhận xét.

Huawei vẫn có thể hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất chip khác để có được dòng chip phù hợp song bị hạn chế về thẩm quyền. Để vượt qua khó khăn này, Huawei phải phát triển được các tính năng “ngôi sao” như đã làm với hệ thống camera.

Theo CNBC, một lựa chọn khác của Huawei là… chờ đợi. Tháng 11 này, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng, chính sách về Trung Quốc và công nghệ của Mỹ có thể thay đổi. Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị của Trung tâm Đổi mới tương lai tại Canada, nhận xét ông Biden có khả năng đưa ra chính sách địa chính trị mới về công nghệ, trong đó có chip. Để nhận được sự ủng hộ từ doanh nghiệp Mỹ như Qualcomm, chính quyền mới có thể thu hồi lệnh cấm chip đối với Huawei. Hoặc, ông Trump cũng có thể nới lỏng hạn chế để được ủng hộ.

Du Lam (Theo SCMP)

Huawei cạn kiệt chip smartphone

Huawei cạn kiệt chip smartphone

Huawei buộc phải dừng sản xuất Kirin, dòng chip smartphone hiện đại nhất do lệnh cấm mới của Mỹ.