- Đoàn múa có cái tên "Đốt lửa" - nổi tiếng và rực rỡ nhất nước Úc - đã có mặt để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 40 năm ngoại giao giữa hai nước.

TIN BÀI KHÁC


Rốt cục sau nhiều thập kỉ với sự đấu tranh của cộng đồng thổ dân, dân chúng và cả các nghệ sĩ rất quen thuộc như đạo diễn Phillip Noyce, chính phủ Úc đã ngày càng tỏ ra trân trọng nền văn hóa cổ xưa trên vùng lãnh thổ đất nước mình.

Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, sự kiện nghệ thuật được chú ý nhất là buổi trình diễn của nhóm múa Nhà hát vũ kịch Bangarra - nhóm múa lớn nhất Australia về kết hợp múa thổ dân truyền thống và múa đương đại vào ngày 2/3 tại Hà Nội và mùng 6/3 tại Tp Hồ Chí Minh.

Đoàn múa Bangarra thường sử dụng các hiệu ứng ánh sáng, màu sắc và trang phục rực rỡ, cổ xưa

Bangarra trong một tiết mục kết hợp với đoàn ballet Úc

Bangarra trong tiếng thổ dân Wiradjuri (Úc) có nghĩa là "Đốt lửa". Nhóm múa được thành lập từ năm 1989 với những diễn viên đều là con cháu các thế hệ thổ dân. Rất nổi tiếng ở Úc, nhóm đã đi diễn ở Mỹ và Anh. Bangarra cũng là nhóm múa đặc biệt trong buổi khai mạc và bế mạc Olympic mùa hè 2000 tại Sydney.

Một tiết mục khác của nhóm



Trò chuyện và tập luyện với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, các nghệ sĩ Úc chia sẻ "Các điệu múa của chúng tôi có rất nhiều động tác trườn, lăn trên mặt đất. Không chỉ kết hợp múa thổ dân với đương đại, chúng tôi còn sử dụng các động tác ballet cổ điển hay những hình ảnh từ thiên nhiên, loài vật, đời sống tâm linh của người thổ dân.

Trong đêm diễn sắp tới ở Nhà hát lớn, bài múa của chúng tôi sẽ miêu tả thiên nhiên nơi chúng tôi sinh sống, và sau đó là những vòng đời đã trải qua ở nơi đây: họ đã chết đi và tái sinh như thế nào. Trong vở diễn cũng nói đến 4 màu sắc của đất - loại đất được người thổ dân sử dụng để bôi vẽ lên người trước lễ hội. Chúng gồm màu đỏ, trắng, đen, vàng. Mỗi màu sắc lại chứa đựng một ý nghĩa riêng. Và vở múa cũng sẽ kể cho khán giả nghe về ý nghĩa đó.
"

BẤM VÀO ĐÂY để xem nghệ sĩ Úc và nghệ sĩ Việt cùng tập luyện một bài múa tập thể của thổ dân Úc.

Ảnh: Angellittlefire

Nhóm múa Bangarra chia sẻ một bài múa tập thể của thổ dân Úc với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Ảnh: Angellittlefire

Bà Kathy Mariki - cố vấn văn hóa và đạo diễn nghệ thuật Stephen Page cũng đều đồng ý ở một điểm: sự kết nối giữa mặt đất (ở các động tác trườn bò) và bầu trời (các động tác vươn cao), tạo dáng các loài vật khiến cơ thể con người hòa trộn vào thiên nhiên và cảm thấy tinh thần tự nhiên của mình.  

"Nhưng người thổ dân không chỉ nhảy múa mà còn vẽ và kể chuyện để kết nối với các giá trị tinh thần - bà Kathy Mariki nói -  Con người chúng ta là một tác phẩm nghệ thuật của tự nhiên. Những đứa trẻ đang lớn lên hằng ngày và tôi hạnh phúc được truyền lại cho chúng những gì tôi biết."

Bà Kathy Mariki - một thổ dân chính gốc và hiếm hoi có quan hệ mật thiết với cả 2 thế giới: thế giới văn minh và thế giới cổ xưa của thổ dân. Ảnh: Angellittlefire

Văn hóa thổ dân trước đây không có chữ viết, nên văn hóa thường lưu truyền từ đời này qua đời khác qua hình thức múa hoặc kể chuyện. Thói quen của họ là nhìn và nghe. Khi những người như bà Kathy Mariki ra thành phố và truyền lại những điều đó, người thành phố hỏi rất nhiều. Các thổ dân cảm thấy ngại ngùng và mệt mỏi khi phải nói quá nhiều và phải trả lời rất nhiều câu hỏi.

Đoàn múa nói rằng họ đã rất may mắn khi có được Kathy Mariki làm cố vấn văn hóa thổ dân. Bà là một thổ dân chính gốc, một người hiếm có sống hòa nhập được ở cả 2 thế giới - thế giới thổ dân và thế giới của đô thị hiện đại nước Úc và sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm của mình không mệt mỏi.

Hồ Hương Giang