Lộ trình tiến tới hòa bình ở miền nam Philippines vừa được công bố là bước tiến quan trọng đầu tiên trong nỗ lực nhằm chấm dứt một cuộc xung đột đẫm máu ở đất nước này.

TIN BÀI KHÁC:



Tổng thống Benigno Aquino giơ một bài báo viết về thỏa thuận hòa bình trong một cuộc gặp với nhà đàm phán hòa bình của Chính phủ Philippines ở Cung điện Malacanang, Manila, ngày 8/10. (Ảnh: Reuters)

Hôm 7/10, Tổng thống Benigno Aquino thông báo chính phủ của ông đã đạt được một thỏa thuận hòa bình khung với phong trào phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) sau nhiều cuộc đàm phán để chấm dứt 40 năm xung đột đẫm máu làm 120.000 người thiệt mạng. Thỏa thuận nhất trí cung cấp một khu vực tự trị ở miền nam Philippines, nơi người Hồi giáo chiếm đa số trong một quốc gia mà chủ yếu dân số theo Công giáo.

Có nguy cơ thất bại như rất nhiều thỏa thuận hòa bình tương tự song thỏa thuận lịch sử này vẫn có cơ hội thành công nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ ở cả trong và ngoài Philippines.

Dưới đây là một cái nhìn tổng thể về nền tảng và tương lai của thỏa thuận:

Nguồn gốc xung đột

Người Hồi giáo ở Mindanao lần đầu tiên cầm vũ khí nổi dậy cách đây nhiều thập niên để bảo vệ những gì họ coi là quê cha đất tổ của mình khỏi mối đe dọa từ người Công giáo. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và thảm sát vốn đã gây đổ máu qua nhiều thế hệ.

Kể từ loạt vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ, Australia và nhiều chính phủ khác đã xem miền Nam Philippines - Đảo Mindanao và các tỉnh lân cận - như một Afghanistan thứ hai, một nơi mà các tay súng từ Indonesia, Malaysia và Đông Nam Á chạy đến để tránh các cuộc bao vây trấn áp trong nước. Họ tìm nơi trú ẩn với các phiến quân Hồi giáo và thiết lập các trại huấn luyện ở thành trì của mình.

Đối với phần còn lại Philippines, Mindanao gợi đến một chốn nằm dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh và thường xuyên chứng kiến các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, các vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ hoặc khách du lịch.

Hồi sinh từ một thỏa thuận thất bại

Một thỏa thuận cho quyền tự trị ở 5 tỉnh Hồi giáo đã được ký năm 1996 và được thực thi trên giấy tờ những năm sau đó song chỉ mang lại rất ít sự thay đổi ở khu vực nghèo đói và đầy rẫy bạo lực này. Các cuộc bầu cử bị gian lận, tham nhũng tràn lan, và các thủ lĩnh chính trị với các đội quân riêng thống trị. Các tay súng bất mãn tiến hành những cuộc đánh bom và tấn công dưới ngọn cờ của MILF.

Một đề nghị tự trị từ Tổng thống Macapagal Arroyo trước đây đã đỗ vỡ năm 2008. Nó bị chỉ trích là hứa hẹn quá nhiều, quá sớm và không có sự xem xét kỹ lưỡng chung.

Khi Tổng thống Benigno Aquino III trúng cử năm 2010, ông đồng ý gặp chỉ huy phiến quân Moro, Al Haj Murad - một điều bà Arroyo đã không làm. Hai bên gặp nhau tại sân bay Tokyo, quyết định rằng họ có thể làm việc cùng nhau và đề ra một loạt cuộc gặp gỡ ở Malaysia, khơi thông các cuộc hội đàm kể từ năm 1997.

Các cuộc hội đàm lần này bao gồm các đại diện của Nhóm Tiếp xúc quốc tế từ Mỹ, châu Âu và các nước Hồi giáo với vai trò là nhân chứng, quan sát viên và cố vấn. Các cuộc đàm phán dưới sự chủ trì của ông Aquino ban đầu được giữ bí mật nhưng giờ đây được công khai.

Sự tín nhiệm cao độ của dân chúng dành cho Tổng thống Aquino đã giúp nhà lãnh đạo này có nền tảng cần thiết để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, mà ông hy vọng sẽ chấm dứt vào năm 2016, khi nhiệm kỳ 6 năm của ông kết thúc.

Cho - và - nhận

Sau 32 vòng đàm phán, những điểm chính của một thỏa thuận đã trở nên rõ ràng hơn: một khu vực tự trị mới sẽ định hình ở miền nam, với các tay súng Moro từ bỏ yêu sách đòi độc lập để đổi lấy các quyền hạn rộng lớn nhằm tự trị. Chính phủ trung ương sẽ vẫn kiểm soát về quốc phòng và các vấn đề ngoại giao, trong khi các tay súng Moro - các lãnh đạo luống tuổi của họ đã suy yếu sau nhiều thập niên chiến đấu - sẽ thực thi các quyền đáng kể ở cấp địa phương, trong đó có hệ thống tư pháp và thu thuế. Luật Sharia sẽ được áp dụng nhưng chỉ với người Hồi giáo.

Không giống như thỏa thuận hòa bình trước đó, thỏa thuận này yêu cầu các tay súng giải giáp vũ khí.

Trở ngại

Nhiều chi tiết tế nhị vẫn còn đó. Trong số đó có quy mô chính xác của lãnh thổ Moro. Tuy chủ yếu dựa trên một vùng tự trị hiện thời, các phiến quân muốn mở rộng vùng này. Các trở ngại tiềm ẩn khác là mức số thu về thuế mà người dân địa phương sẽ phải nộp cho chính phủ trung ương, và thời điểm cũng như cách thức lực lượng phiến quân 11.000 người sẽ giải giáp.

Abu Sayyaf

Các tay súng có quan hệ với al-Qaeda thuộc nhóm Abu Sayyaf - tổ chức tàn ác nổi tiếng về bắt cóc và chặt đầu khách du lịch nước ngoài, trong đó có người Mỹ - không nằm trong bất kỳ một thỏa thuận hòa bình nào. Hy vọng là một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn với phiến quân Moro sẽ cách ly những phần tử cực đoan đó, khiến cho chúng không còn nơi trú ẩn và không còn sự hỗ trợ về hậu cần.

Binh sĩ Mỹ

Khoảng 600 lính Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú ở miền nam Philippines, huấn luyện các lực lượng nước này, trao đổi thông tin tình báo và cung cấp thiết bị. Chủ yếu nhắm tới Abu Sayyaf, quân Mỹ đang cố gắng đảm bảo rằng khu vực dễ tổn thương này không trở thành một nơi thu hút các tay súng, điều có thể xảy ra nếu thỏa thuận hòa bình thất bại.

Thanh Hảo (Theo AP)