Bắc Hà là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, được Chính phủ lựa chọn hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Năm 2023, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Bắc Hà đã tạo đột phá trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ giảm nghèo lên tới 9,16%.

Tỷ lệ hộ nghèo còn lại của huyện là 33,8% và hộ cận nghèo là 18,31%. Tiếp tục thực hiện tốt “3 trụ cột” trong công tác giảm nghèo, huyện Bắc Hà phấn đấu năm 2024 tỷ lệ giảm nghèo đạt 8,52%.

Huyện xác định, để thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2025 không chỉ quan tâm giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân mà phải chăm lo, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và nhà vệ sinh, thông tin). Để tạo tiền đề vững chắc, thoát nghèo bền vững, việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng rất quan trọng.

Các sinh kế được trao cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Bắc Hà được xây dựng, triển khai trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung vào các cây trồng chủ lực. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất gồm trồng rừng (quế), cây ăn quả, dược liệu và làm homestay hướng du lịch cộng đồng.

Hiện hơn 200 hộ nghèo, cận nghèo của 8 xã: Tả Củ Tỷ, Lùng Cải, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Bản Phố, Na Hối của huyện Bắc Hà tham gia liên kết sản xuất, trồng 127 ha cây dược liệu (5 ha atiso, 5 ha đương quy, 117 ha cát cánh) với hơn 200 hộ nghèo và cận nghèo tham gia liên kết sản xuất. Vụ thu hoạch vừa qua, mô hình này tạo thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha đương quy, 100 triệu đồng/ha cát cánh.

Năm 2023, huyện triển khai thực hiện 36 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển du lịch. Từ đây, người dân nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững ngay trên mảnh đất quê hương, không ít hộ thoát nghèo nhờ tham gia các mô hình sinh kế này. 

W-giam ngheo Lao Cai 2.jpg
Lào Cai quan tâm đa chiều tới người dân, chú trọng các tiêu chí về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở...

Ngoài giải quyết bài toán về thu nhập, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các ngành, địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ cải thiện cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là chăm lo nhà ở. 

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện Bắc Hà có 2.111 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, trong đó 1.245 nhà xây mới, 866 nhà cải tạo, sửa chữa. Năm 2023, huyện đã bố trí từ ngân sách Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 300 nhà cho người dân nghèo 18 xã, đảm bảo quy định "3 cứng", góp phần ổn định đời sống, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong nhân dân.

Hướng tới mục tiêu mọi người dân huyện Bắc Hà đều có nhà ở ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, năm 2024, huyện Bắc Hà hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.479 hộ (làm mới 872 nhà, sửa chữa 607 nhà), bằng 70% tổng số hộ cần được hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025. Huyện quyết tâm đến hết tháng 6/2025 sẽ hoàn thành 100% mục tiêu, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ chung của tỉnh.

Có nhà ở kiên cố là động lực thúc đẩy người dân tích cực vươn lên thoát nghèo, từng bước đảm bảo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo ổn định xã hội, tạo sự công bằng và bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện Bắc Hà giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, huyện Bắc Hà xác định phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, huyện cần tuyên truyền, quán triệt thực hiện tốt phương châm: Nhà nước hỗ trợ, nhân dân chủ động, cộng đồng giúp đỡ trong triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.