Giáo dục là nền tảng của tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Khi học sinh trên nhiều khu vực trên thế giới bước vào năm học mới 2023-2024, thời báo Al Jazeera đã khảo sát xem những quốc gia nào đang đầu tư nhiều nhất vào hệ thống giáo dục.
Cam kết tài chính này không chỉ phản ánh sự đầu tư của một quốc gia trong việc đào tạo lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng mà còn tạo tiền đề cho sự thịnh vượng tương lai của quốc gia đó.
Thêm một năm học, tiền lương theo giờ lại tăng thêm 9%
Đầu tháng 9 vừa qua, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đã trở lại trường học khi kỳ nghỉ hè kết thúc ở nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu.
Tuy nhiên, ước tính có 244 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6-18 trên toàn thế giới vẫn chưa được đến trường. Con số này nhấn mạnh những thách thức dai dẳng và sự chênh lệch tồn tại trong việc tiếp cận quyền được giáo dục. Các yếu tố từ rào cản kinh tế xã hội đến xung đột và di dân tiếp tục cản trở khả năng đến trường của những đứa trẻ này. Hậu quả đã vượt xa phạm vi lớp học, ảnh hưởng đến các cá nhân, cộng đồng và xã hội nói chung.
Giáo dục đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cứ mỗi năm học tăng thêm, tiền lương theo giờ lại tăng thêm 9%.
Trình độ học vấn toàn cầu
Theo dữ liệu do Trung tâm Nhân khẩu học và Vốn Nhân lực Toàn cầu Wittgenstein tổng hợp, chỉ dưới 10% dân số thế giới trên 15 tuổi không được giáo dục chính quy, nghĩa là các em không đến trường hoặc hoàn thành lớp một.
Khoảng 10% người dân đã hoàn thành giáo dục tiểu học, từ mẫu giáo đến 11 hoặc 12 tuổi và thêm 5% chưa hoàn thành giáo dục tiểu học. Gần 40% dân số thế giới đã được giáo dục THCS hoặc THPT, thường từ 11 hoặc 12 tuổi đến 18 hoặc 19 tuổi.
12% dân số thế giới còn lại đã đạt trình độ học vấn qua giai đoạn trung học, so với chỉ 1% vào năm 1950. Những cá nhân có trình độ học vấn cao hơn thường có sức khỏe và phúc lợi tổng thể tốt hơn.
Những quốc gia nào có thời gian đi học lâu nhất?
Theo số liệu từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), một người dành trung bình 12,8 năm để đi học. Số năm này bao gồm việc học tập cơ bản ở bậc tiểu học, nghiên cứu sâu hơn ở bậc trung học, đào tạo chuyên ngành sau trung học và giáo dục bậc đại học.
Đây là thước đo toàn diện về thời gian người dân mỗi nước đầu tư vào hành trình học tập của mình trước khi gia nhập lực lượng lao động hoặc theo đuổi bậc nghiên cứu cao hơn.
Theo đó, Úc dẫn đầu với thời gian đi học dự kiến dài nhất là 21,1 năm, tiếp theo là New Zealand là 20,3 năm và Hy Lạp là 20 năm.
Nam Sudan có số năm đi học dự kiến thấp nhất (5,5 năm), tiếp theo là Niger (6,9 năm) và Mali (7,4 năm).
Sự chênh lệch này làm nổi bật sự khác biệt trong khả năng tiếp cận và cơ hội giáo dục giữa các quốc gia ở các châu lục khác nhau này. Điều này cũng phần nào phản ánh sự phát triển cá nhân và tiến bộ kinh tế của quốc gia đó.
Các nước chi bao nhiêu cho giáo dục?
Năm 2020, thế giới đã chi khoảng 5 nghìn tỷ USD, chiếm 4,33% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cho giáo dục. Để dễ so sánh, thế giới đã chi khoảng 9 nghìn tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe và gần 2 nghìn tỷ USD cho chi tiêu quân sự trong cùng năm đó.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), các nước thu nhập cao đã chi gần gấp đôi số tiền cho giáo dục so với các nước thu nhập thấp vào năm 2020.
Năm 2020, Mỹ chi khoảng 6,05% GDP cho giáo dục trong khi ở khu vực Nam Mỹ, Bolivia dẫn đầu khu vực với mức 9,84%.
Ở châu Phi, Namibia phân bổ tỷ lệ nhiều nhất, dành 9,64% GDP cho giáo dục. Trong khi ở châu Á, Ả Rập Xê-út là quốc gia chi tiêu nhiều nhất với mức 7,81%.
Ở châu Âu, Greenland dẫn đầu khi phân bổ 10,5% GDP cho giáo dục, gần gấp đôi mức trung bình 5,13% của Liên minh châu Âu (EU).
Tử Huy