Nhiều chị em phụ nữ tuổi 40 cho rằng, quản được túi tiền của chồng, dành dụm được quỹ đen dắt lưng là cách "phòng thân" tốt nhất. Thế nên tiền bạc trở thành nỗi ám ảnh họ đến mức bột phát qua lời nói, hễ cứ mở miệng là... tiền!
Bây giờ, rất nhiều người phụ nữ có thói quen gặp ai cũng nói chuyện tiền bạc thông qua lương lậu, chi tiêu, mua sắm... Với phụ nữ tuổi 40, khi đã có chút gì đó trong tay họ không quên khoe khoang về chiến tích "tay hòm chìa khóa" hoặc khôn ngoan quản được chồng giàu.
Số khác lại có ý coi thường ông chồng "lép vế", sẵn sàng so sánh với chồng người, chồng Tây... Nhưng dẫu sao, sự thật thì đàn ông vẫn không thích những phụ nữ cứ mở miệng ra là nhắc tới tiền.
Phải khẳng định ngay rằng, phụ nữ thời nào, ở đâu cũng chú trọng thứ "bản năng" đặc biệt này. Điều đó vừa thể hiện sự lo toan, tháo vát đồng thời được truyền miệng như một "kế phòng thân" của chị em chứ không hẳn là sự ích kỷ, mưu lợi cá nhân.
Người Nhật đã lưu truyền câu chuyện về nàng Chiyo - vợ một samurai nổi tiếng thế kỷ 16. Chiyo tích trữ tiền suốt nhiều năm để mua con chiến mã tốt nhất cho chồng ra trận. Con ngựa đã giúp chồng cô đánh bại kẻ thù và nổi danh sau trận chiến.
Bởi vậy, niềm âu lo về tiền bạc của người phụ nữ phần nào thể hiện cách biết lường trước, lo sau cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, từ sự lo âu, tính toán về kinh tế đến cách ứng xử xung quanh chuyện tiền nong lại có khoảng cách nhất định. Thường thì người phụ nữ tuổi 40 hay thể hiện nỗi trăn trở ấy một cách ráo riết từ hành động đến lời nói hàng ngày.
Mọi bà vợ đều ủ mưu sao cho chồng vét túi mới yên tâm dễ bề quản lý. Thành ra, nhiều ông chồng kêu ca mỗi lần đưa lương thì được đon đả, chăm sóc còn chậm lương thì y như rằng vợ "mặt nặng mày nhẹ", "đá thúng đụng nia" khiến họ cảm thấy "nhục dần đều"! Một số diễn đàn của cánh mày râu còn truyền nhau câu đố vui: "Con gì ăn ít, nói nhiều/ Mau già, lâu chết, miệng kêu tiền tiền" - đáp án là "con vợ"!
Phụ nữ giữ tiền để "phòng thân" |
Nhưng xung quanh câu chuyện phụ nữ và tiền bạc đang tồn tại rất nhiều nghịch lý!
Phụ nữ chắt bóp từng đồng bạc lẻ nhưng sẵn sàng vung tay trước những món đồ bắt mắt, những trào lưu làm đẹp đang thịnh hành. (Theo một cuộc khảo sát thực hiện tại Mỹ, trung bình một phụ nữ mất 8,5 năm trong đời dành cho đam mê mua sắm!).
Phụ nữ tìm mọi cách "rút ví" chồng những mong cắt đứt mọi thú vui ngoài luồng nhưng cánh đàn ông vẫn có quỹ đen, vẫn "ăn chơi không sợ mưa rơi", mua một món đồ mình thích bằng vợ chi tiêu nhỏ giọt cả năm trời!
Vậy chung quy, phụ nữ quanh năm suốt tháng quẩn quanh mãi với chuyện tiền nong thì có lỗi gì? Họ chẳng có lỗi gì cả nhưng điều gì thái quá đều dẫn đến mệt mỏi. Nhất là ở độ tuổi tứ tuần, khi con cái bắt đầu lớn khôn, tình cảm với bạn đời có phần phai nhạt thì người phụ nữ thường phải đối diện nỗi cô đơn.
Tiền bạc chỉ có thể khiến họ an tâm trước những lo nghĩ xa gần chứ tuyệt nhiên không làm nỗi cô đơn vơi cạn.
"Thì các ông cứ thử làm đàn bà đi!" - đó là câu trả đũa của nhiều chị em khi bị chồng phê bình "lúc nào cũng tiền, tiền".
Bất ngờ hơn cả là vài khảo sát mới đây cho thấy đàn ông giữ tiền, tiêu tiền tốt hơn. Bằng chứng là đàn ông thường chỉ mua những gì họ cần, phụ nữ sắm những gì họ thích, hết "cơn" thích xếp xó tất thảy cũng không luyến tiếc. Trong khi đàn ông chủ tâm tìm mọi cách để tiền đẻ ra tiền thì phụ nữ xem trọng việc khư khư "tay hòm chìa khóa"...
So với xưa, đàn ông thời nay đã có sự đổi mới nhiều về tư tưởng song không vì thế mà nỗi "khiếp đảm" những phụ nữ hoặc tiêu tiền "vung tay quá trán" hoặc mở miệng kêu tiền sẽ bị triệt tiêu. Trái lại, đàn ông càng làm ra tiền, họ càng ám ảnh điều đó đến tột độ.
Đành rằng, xã hội hiện đại, phụ nữ càng bị ràng buộc bởi quá nhiều âu lo nên nếu họ có lỡ "tra tấn" lỗ tai chồng con, đồng nghiệp bằng chuyện tiền nong âu cũng là điều cần thông cảm!
Việc người phụ nữ trung niên bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp quay lưng, tẩy chay vì thói quen "mở miệng ra là tiền" đang khá phổ biến.
Có điều, chẳng ai giống ai trong những công việc, nghĩa vụ, lo toan tưởng như rất đỗi "tầm thường" mà chẳng thể thiếu bàn tay phụ nữ. Nên chăng, mọi phản ứng, chỉ trích đôi khi chỉ mang đến nỗi chạnh lòng.
(Theo Gia đình & Xã hội)