Báo cáo “Kích hoạt cơ hội mới trong thị trường M&A” do hãng kiểm toán KPMG vừa công bố đã điểm tên các thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2022, chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và tiêu dùng.

Cụ thể, thị trường M&A (mua bán - sáp nhập) Việt Nam chứng kiến thương vụ lớn nhất trong năm là tòa nhà văn phòng hạng A - Capital Place (Hà Nội) được mua bởi một trong những công ty hàng đầu trong ngành bất động sản với giá 523,4 triệu USD. Cùng lĩnh vực, Novaland đã nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ Warburg Pincus. 

Đối với ngành Năng lượng - Tiện ích công cộng, nhà phát triển và vận hành năng lượng tái tạo có trụ sở chính tại Madrid (Tây Ban Nha) EDP Renovaveis SA, đã ký thỏa thuận mua lại hai dự án điện mặt trời với tổng công suất 200 MW tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) từ Tập đoàn Xuân Thiện. Giá trị giao dịch đạt 284 triệu USD. Thương vụ này giúp EDPR mở rộng thị phần và củng cố vị thế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thương vụ M&A lớn nhất năm là chuyển nhượng một tòa nhà văn phòng tại Hà Nội. (Ảnh: DNCC)

Liên quan tới ngành hàng Tiêu dùng, Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Tập đoàn Masan) đã mua lại 65% vốn của Phúc Long Heritage với giá trị 260,6 triệu USD. Như vậy, Masan đã 3 lần rót vốn vào Phúc Long trong 2 năm qua. 

Trong khi đó, Seletar Investments, Seatown Private Capital Master Fun và Periwinkle mua lại khoảng 36% cổ phần của Golden Gate (công ty sở hữu chuỗi nhà hàng) với trị giá khoảng 234 triệu USD từ Prosperity Food Concepts Pte Ltd.

Ngoài ra, Pharmacity - một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất tại Việt Nam - đã gia nhập SK Group, thâm nhập thị trường bán lẻ và chăm sóc sức khỏe đang mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á. Mặc dù giá trị không được tiết lộ, nhưng KPMG đánh giá đây là một trong những thương vụ mang tính bước ngoặt của năm.

Mua thì ít, bán thì nhiều

Có thể thấy, giá trị bình quân giao dịch M&A trong năm sụt giảm bởi những lo ngại về xu hướng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, giá trị trung bình của một giao dịch được công bố giảm từ 31,1 triệu USD năm 2020 xuống còn 16,5 triệu USD trong 10 tháng năm 2022. Tổng số siêu giao dịch M&A (giao dịch vượt quá 100 triệu USD) được ký kết giảm một nửa (13 giao dịch ghi nhận trong 10 tháng năm 2022 so với 22 giao dịch cùng kỳ năm ngoái). 

“Cách tiếp cận thận trọng hơn đối với đầu tư sau đại dịch cùng với những yếu tố như lạm phát, địa chính trị và khoảng cách kỳ vọng giữa bên mua và bên bán có thể ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của bên mua nước ngoài, dẫn đến hoạt động M&A xuyên biên giới chậm lại”, báo cáo của KPMG nêu.

Luật sư Phạm Duy Khương, Thành viên Điều hành ASL Law Firm, cho rằng, rủi ro sau mua bán, sáp nhập rất tiềm tàng vì không ai đoán hết được các thông số của lạm phát, suy thoái sẽ ảnh hưởng mức độ nào tới doanh nghiệp. Đơn cử, định giá ban đầu khác và khi đi vào hoạt động có thể không được như mong muốn.

Cũng theo đại diện ASL Law Firm, thời điểm này, bên mua thì ít mà bên bán thì nhiều. Khi doanh nghiệp vào thế bí một là bán hai là "chết". Dẫu vậy, trong nguy có cơ, thị trường Việt Nam đang hợp khẩu vị hay “vừa miếng” đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, nhận định, đây đúng là thời kỳ tiền khó. Tuy nhiên, cũng không phải vì lợi dụng sự khó khăn của thị trường mà chèn ép giá M&A ở bối cảnh hiện tại. Đơn giản, nhà đầu tư sở hữu tiềm lực tài chính sẽ có nhiều phương án mua hơn. 

“Các doanh nhân hay phía nhà đầu tư, nhà cung cấp tín dụng hướng tới win - win, tức cùng thắng trong hợp tác kinh doanh, thì các thương vụ M&A mới có thể diễn ra được”, bà Hảo nói.