Ngày 13/1, trên địa bàn huyện Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã xảy ra vụ cháy xe máy do điện thoại để trong cốp xe bất ngờ phát nổ.

Dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy cũng khiến xe máy bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ việc được xác định do điện thoại để trong cốp xe phát nổ.

Có thể thấy, việc để điện thoại trong cốp xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen này, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Chị Nguyễn Ngọc Linh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, luôn có thói quen để túi xách, điện thoại vào cốp xe máy.

“Khi phải di chuyển bằng xe máy, tôi thường tiện tay để túi xách, điện thoại vào trong cốp xe, vừa đỡ vướng lại vừa đảm bảo an toàn, không lo trở thành mục tiêu của những kẻ xấu cướp giật”, chị Ngọc Linh chia sẻ.

W-z4927778861918-6203a9dfa1b6815776e190deb8f4b817-1.jpg
Nhiều người có thói quen để điện thoại di động trong cốp xe máy

Chị Nguyễn Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, rất nhiều bạn bè cũng có thói quen để những vật dụng giá trị, túi xách và các thiết bị điện tử trong cốp nhằm tránh bị cướp giật.

“Đặc thù công việc của tôi là quản lý nhà hàng, tan ca muộn nên nguy cơ bị cướp giật khi di chuyển trên đường buổi tối có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính vì thế, tôi luôn đặt những đồ đạc có giá trị vào trong cốp để đề phòng, kể cả điện thoại”, chị Phương chia sẻ.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh đã bị chập, phồng pin một chiếc điện thoại di động khi để trong cốp xe máy.

"Tôi để quên điện thoại trong cốp xe máy gửi ở bãi xe giữa trời nắng nóng. Khi tôi nhớ ra và chạy đi lấy điện thoại thì thấy pin đã phồng rộp, rất may hôm đó không gây cháy, nổ", anh Hưng kể lại.

Thực tế, nhiều người có thói quen để các thiết bị di động trong cốp xe máy mà không ý thức được rằng, đây là hành vi rất nguy hiểm bởi hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay, đặc biệt là các thiết bị có sử dụng công nghệ pin Li-ion rất nhạy cảm với nhiệt độ.

Trong quá trình xe di chuyển, nhiệt sẽ phát ra từ động cơ nhưng động cơ lại nằm sát cốp xe, nếu đi quãng đường xa, thời gian dài, động cơ sẽ tỏa ra nhiệt lượng cao khiến cho pin điện thoại phát nổ.

Ngoài ra, thói quen để điện thoại trong cốp xe cũng có thể khiến thiết bị hư hại nhanh hơn, đơn cử như tuổi thọ của pin điện thoại cũng có thể bị giảm sút nhanh chóng nếu thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao.

Bên cạnh đó, trong quá trình di chuyển, điện thoại để trong cốp xe có thể phải chịu những lực va đập khác nhau, dễ gây hư hại màn hình. Khi động cơ xe máy hoạt động, mâm đánh lửa và phát điện của xe cũng sẽ phát sinh ra từ trường, điều này có thể khiến cho các thẻ nhớ trong điện thoại nhanh bị hư hỏng, nặng hơn có thể gây mất dữ liệu.

Việc để điện thoại trong cốp xe máy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thiết bị. Do đó, để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ tính mạng và tài sản, người dân cần có lựa chọn phù hợp trong cất giữ tài sản.