Là nhân viên văn phòng, thường xuyên ngồi làm việc trước máy tính, chị Lê Anh (Đống Đa, Hà Nội) ít có cơ hội vận động. Gần đây, chị thường xuyên thấy đau nhức vùng cổ, đau từ gáy sang cổ, đôi khi cơn đau lan cả đầu, bả vai, cánh tay.
Tình trạng kéo dài, gây khó chịu, chị đến viện thăm khám và được chẩn đoán mắc thoái hóa cột sống cổ. Chị Lê Anh khá ngạc nhiên vì nghĩ bệnh này thường gặp ở đối tượng trung niên trong khi chị mới ngoài 30 tuổi.
Người có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cổ
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, thoái hóa cột sống cổ là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm.
“Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ là người từ 40 đến 50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên hiện nay đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang dần trẻ hóa (từ 25 tới 30 tuổi) bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Những yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ, theo điều dưỡng Thanh bao gồm nguyên nhân di truyền hay người bệnh ít vận động, luyên tập thể thao, nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
Người có tiền sử bị chấn thương vùng cổ, chế độ ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung các chất canxi, magie, vitamin D hay mắc bệnh nhân béo phì cũng dễ mắc thoái hóa cột sống cổ.
Những người làm công việc ngồi máy tính nhiều, hay mang vác vật nặng… cũng có nguy cơ gây bệnh.
Các biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ là sự đau nhức vùng cổ, đau từ gáy sang cổ, tai, đôi khi đau cả đầu, bả vai, cánh tay. Người bệnh cảm thấy đau nhiều, khó khăn khi vận động ở cổ như xoay, cúi, ngửa cổ.
Bệnh nhân đau ê ẩm vùng gáy, cứng cổ, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, khi nằm lâu, khi thời tiết thay đổi đột ngột…
Điều trị thoái hóa cột sống cổ như thế nào?
Theo điều dưỡng Thanh, điều trị thoái hóa cột sống cổ là phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó các bài tập luyện đúng phương pháp vừa là một biện pháp điều trị vừa là biện pháp dự phòng thoái hóa cột sống.
Thư giãn và nghỉ ngơi: Người bệnh tránh bị stress, dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi nhiều. Khi nằm nên kê gối thấp, nằm đầu bằng tránh kê gối quá cao gây gập đốt sống cổ.
Chườm nóng hoặc lạnh: Giúp giảm đau và lưu thông máu. Thường chườm nóng trước, chườm lạnh sau.
Thuốc: Bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi có sự cho phép và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Các thuốc thường dùng như giảm đau, giãn cơ, chống viêm, chống thoái hóa…
Vât lý trị liệu: Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa cột sống cổ nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp cổ, tăng cường sự lưu thông máu đến vùng cổ, giúp cho các cử động vùng cổ và vai gáy được dễ dàng hơn.
Một số bài tập luyện dành cho bệnh nhân:
Các bài tập thể dục vùng cổ vai nên được duy trì đều đặn 1- 2 lần/ngày, vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác thực hiện 5- 10 lần, tập nhẹ nhàng, từ từ đề phòng chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột.
Bài tập 1: Gập cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, cúi đầu về trước, cằm càng sát ngực càng tốt, sau đó trở về vị trí ban đầu, làm 5- 10 lần. Duỗi cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, ngửa đầu ra phía sau hết mức có thể, sau đó trở về vị trí ban đầu.
Bài tập 2: Nghiêng cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, dùng bàn tay đặt lên tai bên đối diện nhẹ nhàng kéo nghiêng đầu và giữ yên trong 2 phút sau đó làm tương tự với đầu bên đối diện.
Bài tập 3: Xoay cột sống cổ: Lần lượt xoay đầu sang 2 bên, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai. Bạn nên làm chậm rãi, tránh thay đổi tư thế đột ngột
“Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính, cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Người bệnh cần tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ và tái khám theo hẹn để được quyết định hướng điều trị tiếp theo”, điều dưỡng Thanh cho biết thêm.