UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành quyết định phê duyệt liên danh CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) - CTCP Xây dựng Sài Gòn (SSC) - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của anh em ông Đặng Thành Tâm trong danh sách ngắn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.

Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu trước đây có tên là Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, từng được giao cho CTCP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) đầu tư với kế hoạch khởi công trong năm 2010. Tuy nhiên, dự án đình trệ kéo dài và tới cuối 2019 đã bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi.

Dự án có diện tích 69,46ha (tại phường 10 và phường 11 thành phố Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng.

Theo quyết định mới, liên danh Saigontel - SCC - KBC là nhà đầu tư trúng sơ tuyển thực hiện dự án. Trong đó, Saigontel và KBC đều do ông Đặng Thành Tâm (sinh năm 1964) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn SCC là được sáng lập bởi bà Đặng Thị Hoàng Phượng là em gái ruột của ông Đặng Thành Tâm.

Đây là một tín hiệu tích cực mới của doanh nghiệp của anh chị em nhà ông Đặng Thành Tâm sau gần một thập kỷ gặp khó khăn, còng lưng trả nợ.

Gần đây, KBC của ông Đặng Thành Tâm liên tục huy động và có kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu để hoàn thiện hàng loạt dự án bất động sản đang xây dựng dở dang, trong đó phần lớn là các khu công nghiệp (KCN) như KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và 2 khu đô thị lớn là Khu đô thị Phúc Ninh (Bắc Ninh) và KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng)…

Như vậy, nếu không có gì thay đổi Tập đoàn Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào bất động sản công nghiệp (khu công nghiệp) trên phạm vi toàn quốc và một phần bất động sản đô thị tại Bắc Ninh  và Bà Rịa Vũng Tàu.

{keywords}
Doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm có tín hiệu hồi phục.

Các doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm gần đây khởi sắc trở lại, giới đầu tư thấy ông Tâm triển khai nhiều dự án hơn. Chị gái ông Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến sau gần 10 năm cũng đã trở lại, với phiên họp ĐHCĐ thường niên 2020. Tuy nhiên, đây vẫn là thời điểm nhạy cảm, cơ hội nhiều nhưng rủi ro đối với nền kinh tế không ít, khi mà thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn là chủ tịch CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) nhưng đã vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây. Ngày 5/6 bà Yến đã không còn nhờ ông Tâm thay mặt chủ tọa tại ĐHCĐ 2020 nhưng cũng chỉ tham gia thông qua họp trực tuyến.

Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đồng loạt tăng giá. Căng thẳng Mỹ-Trung lên cao và nỗ lực nắm bắt cơ hội của Việt Nam khiến kỳ vọng về nhóm cổ phiếu này tăng vọt.

Trong 6 tháng qua, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã tăng gấp 2,5 lần từ mức khoảng 2.000 đồng/cp lên trên 5.000 đồng/cp như hiện tại.

Cổ phiếu KBC của Đô Thị Kinh Bắc (của ông Đặng Thành Tâm) trong khi đó tăng từ mức hơn 10.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 lên mức 14.600 đồng/cp như hiện tại.

Các cổ phiếu BĐS công nghiệp, trong đó có Itaco của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản lên cao hiếm có khi mà căng thẳng Mỹ-Trung vẫn gia tăng và giới đầu tư tìm những nơi an toàn mới..

Sau gần một thập kỷ ẩn mình, gần đây các doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến hồi phục khá ấn tượng và chuẩn bị đón một kỷ nguyên mới.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam, trong khi đó bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng là nữ doanh nhân nổi bật với Itaco (ITA) và những dự án có quy mô lên tới tỷ USD.

Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc… với những gương mặt điển hình như Samsung, LG…Nhu cầu về diện tích công nghiệp được dự báo sẽ còn tăng cao.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 19/10, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đã lên ngưỡng 945 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự kiến sẽ có diễn biến giằng co quanh vùng 945 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo thông tin kết quả kinh quý III của từng doanh nghiệp cụ thể. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VNDiamond diễn ra vào hai tuần cuối tháng 10 có thể sẽ tạo ra diễn biến sôi động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, VN-Index tăng 0,54 điểm lên 943,3 điểm; HNX-Index tăng 0,17 điểm lên 139,82 điểm. Upcom-Index tăng 0,37 điểm lên 63,85 điểm. Thanh khoản đạt 10,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà