Ông Trần Văn Quận (SN 1973) sinh ra và lớn lên ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), trong vùng mưa bom lửa đạn của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc. Năm 1995 ông tham gia lính Hải quân vùng III, đến năm 2001 thì phục viên rồi vào TP.HCM sinh sống.
Thời gian trong quân ngũ, ông Quận sưu tập được một số kỷ vật thời chiến tranh, nên cất làm kỷ niệm. Năm 2018, ông về quê nhà, cùng gia đình mở quán cà phê và bắt tay thực hiện ước mơ, xây dựng “bảo tàng” kỷ vật chiến tranh cho riêng mình.
Gọi là “bảo tàng” nhưng thực tế là khu vườn kỷ vật chiến tranh, được thực hiện bên cạnh quán cà phê của gia đình. Với hàng chục vỏ bom, vỏ mìn, vỏ đạn pháo còn nguyên hay những mảnh vỏ bom, mảnh vỏ đạn… được ông sưu tầm về rồi cất công bài trí hài hòa với cây cỏ thiên nhiên.
Ông Quận kể, "khi tôi nói ý tưởng sưu tầm các vỏ bom, vỏ đạn, vỏ mìn, những kỷ vật thời chiến tranh về trưng bày trong khu vườn gia đình, vợ tôi và người thân phản đối, không đồng ý. Trong cuộc họp thôn xóm, tôi có phát biểu về ý tưởng của tôi, người dân cũng không đồng tình”.
“Mọi người nghĩ là bom, đạn sẽ nguy hiểm và vi phạm quy đinh của pháp luật, nhưng tôi phải giải thích là vỏ bom, vỏ đạn đã không còn thuốc nổ, ngòi nổ nên vô hại. Những loại này pháp luật không cấm sưu tầm hay mua bán phế liệu. Lúc tôi triển khai, Ban quận sự xã, Ban công an xã cũng về kiểm tra, thấy vỏ bom, vỏ mìn phế liệu nên họ cũng ủng hộ ý tưởng của tôi” – ông Quận kể lại.
Để sưu tầm các kỷ vật thời chiến còn sót lại, ông Quận đã chạy xe máy đến các tiệm phế liệu dọc đường Hồ Chí Minh từ tỉnh Nghệ An đến Phú Yên. Ông đưa địa chỉ cho những người dân, các đại lý thu mua phế liệu, mỗi khi nhận thông tin ở đâu có vỏ bom, vỏ mìn là ông lập tức lên đường.
Ông Quận cho biết, “quá trình sưu tầm, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng biết được ý nghĩa của việc tôi làm nên người dân, và chính quyền hiểu và ủng hộ. Nhiều đồng đội ở đơn vị cũ cho tặng kỷ vật, có người ký gửi các kỷ vật để tôi bảo quản, trưng bày. Đến nay tôi đã sưu tầm được 70 vỏ bom, vỏ mìn, trong đó có những loại vỏ bom như M118, MK84 và nhiều loại kỷ vật chiến tranh khác”.
Những thông điệp hòa bình
“Bảo tàng” kỷ vật chiến tranh của gia đình ông Quận mở của miễn phí đón mọi người đến tham quan. Trong đó có nhiều khách đi theo tour du lịch đến chiêm ngưỡng và có cái nhìn trực quan, thấu hiểu về lịch sử và nguy hiểm từ bom, mìn mang lại.
Bên cạnh đó, khu vườn của ông luôn mở cửa miễn phí đón tiếp các em học sinh đến tham quan. Các em học sinh học lịch sử đến đây tham quan được chạm tay vào những kỷ vật, kết nối với những bài học ở trong nhà trường và thực tiễn.
Mỗi lần đón du khách hay các em học sinh, ông Quận lại mặc đồ bộ đội, đội mũ tai bèo, thuyết trình, hướng dẫn nhận dạng các loại bom, mìn trong khu vườn về chủng loại gì, tác dụng mức độ tàn sát của mỗi loại.
“Tôi mong muốn các cháu học sinh biết để nhận dạng, để phòng tránh tai nạn bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bởi ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Bình và trên đất nước mình còn nhiều lắm”, ông Quận nói.
“Còn nữa, tôi muốn các thế hệ hôm nay và mai sau sinh ra trong thời bình, khi thấy được hình ảnh vỏ bom, vỏ mìm thế này sẽ biết về sự tàn sát kinh hoàng trong thời chiến tranh. Những quả bom to lớn như thế mà phát nổ thì mảnh bom sẽ tàn phá và tàn sát con người kinh khủng như thế nào. Từ đó sẽ biết được công lao cha ông đi trước đã ngã xuống cho chúng ta có được nên hòa bình hôm nay. Để các thế hệ con cháu sau này làm chủ đất nước góp phần đừng để chiến tranh xảy ra”, ông Quận nhắn gửi thông điệp.
Trong thời gian tới, ông Quận sẽ tiếp tục sưu tầm nhằm mô phỏng các dạng bom tiếp đất và tái hiện hình ảnh người dân sản xuất dưới mưa bom bão đạn trong thời kỳ chiến tranh. "Việc lưu giữ, trưng bày các kỷ vật chiến tranh nhằm hướng đến tri ân liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh đã tham gia các cuộc chiến tranh khốc liệt để giành lại hòa bình", ông nói.
Thanh Hà