- Trà sữa tuy mới được du nhập vào nước ta nhưng nhanh chóng trở thành đồ uống được giới trẻ ưa chuộng. Song, gần đây, nhiều vụ bê bối về nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc được phát giác, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 1 tấn nguyên liệu pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở một cơ sở kinh doanh tại 131 Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Nhiều bao bì chứa các loại bột có biểu hiện nấm mốc, lấm bẩn. Đặc biệt, có nhiều bao bên ngoài vỏ là đường trắng nhưng bên trong bao lại có một lớp bao bì thứ 2 in chữ Trung Quốc đựng sữa bột.
Các loại nguyên liệu này được chủ hàng bán lẻ cho các quán trà sữa với giá 800.000 đồng mỗi bao 25 kg. Mỗi bao này có thể pha được hơn 1.000 cốc trà sữa.
Chủ cơ sở khai “nhập mối” từ một khu hàng tại chợ Hà Đông. Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục loại nguyên liệu trà sữa không đảm bảo chất lượng đang được bày bán tại gian hàng trong khu chợ này.
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều gói nguyên liệu không rõ nguồn gốc. |
Gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các đơn vị kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu làm trà sữa đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
Ngày 26/12/2017, 4 tấn nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc bị lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ tại ga Giáp Bát (Long Biên). Những gói thạch nhầy nhụa, những túi trân châu đủ màu xanh đỏ, những gói bột trà có mùi hắc mà người ta không thể biết nó hàm chứa những thành phần hóa học gì.
Điều đáng nói, ngay cả những cơ sở kinh doanh hoặc cung cấp cho những thương hiệu trà sữa nổi tiếng, cửa hàng bán trà sữa sang trọng cũng bị phát hiện nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất trà sữa nghi không đảm bảo vệ sinh.
Cụ thể, ngày 19/1, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm số 1 TP. Hà Nội đã kiểm tra tại hộ kinh doanh trà sữa DingTea (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) phát hiện 3 thùng hạt trân châu có mẫu giống nhau nhưng cơ sở chỉ xuất trình được nguồn gốc của 2 thùng.
Cơ quan chức năng niêm phong số trân châu không rõ nguồn gốc của DingTea. |
Trước đó, ngày 15/1, lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), phát hiện hơn 2.000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và chuyển sang bao khác, dán tem mác của một số công ty chè uy tín của Việt Nam, cùng với hơn 100 hộp sữa đặc loại 5kg nhãn hiệu nước ngoài. Chủ công ty không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trên.
Ngày 15/12/2016, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TACO Việt Nam (ngõ 780 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), phát hiện hàng chục lon nguyên liệu trà sữa, ước tính số lượng lên tới 2,1 tấn, không có hóa đơn chứng từ.
Tại kho hàng 780 Minh Khai, cơ quan chức năng phát hiện hơn 73 hộp sắt chứa nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, 40 hộp sắt không nhãn mác, một số bao bì in chữ Trung Quốc và 33 hộp sắt được dán nhãn mác thương hiệu Toco-toco.
Lô hàng bị phát hiện tại Heekcaa. |
Ngày 12/5/2016, công an TP. Hà Nội phát hiện thêm một xưởng làm thạch trân châu tại số 137 Ngọc Hồi, Hà Nội. Nhà xưởng là một nơi ẩm thấp, chật chội. Khu xưởng chế biến nhếch nhác, bột trà sữa cùng trân châu được làm trong những xô chậu không hề hiện đại như những lời quảng cáo. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nguyên liệu là do nước ngoài sản xuất và không đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ. Điều đặc biệt, đây chính là một chi nhánh của hãng trà sữa Feeling Tea.
Sữa bột, trà mạn, trân châu là những nguyên liệu chính để tạo ra 1 ly trà sữa thơm ngon, bắt mắt.
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nguyên liệu làm trà sữa trôi nổi, không nhãn mác được bày bán công khai với giá rẻ không ngờ. Theo tìm hiểu, trân châu và nguyên liệu trà sữa bán tại chợ Đồng Xuân đều có nguồn gốc từ Trung Quốc - nơi từng xảy ra nhiều vụ bê bối liên quan đến trân châu.
Nên uống trà sữa ở các cửa hàng điều kiện vệ sinh đảm bảo. |
Theo các chuyên gia, với đa số nguyên liệu là thực phẩm chế biến công nghiệp, những nguyên liệu làm trà sữa có thể là nguyên nhân gây ra những căn bệnh nguy hiểm về lâu dài cho người.
Theo chuyên gia từ Hội hóa học Hà Nội, cho biết, thành phần chủ yếu của trà sữa sản xuất hàng loạt là dầu thực vật hydro hóa, làm tăng nguy cơ vô sinh, tim mạch và ung thư. Nếu thường xuyên uống trà sữa dạng này, một loạt hóa chất độc hại sẽ dần tích tụ trong cơ thể, gây bệnh. Hệ lụy dễ thấy nhất là bị đau bụng, tiêu chảy. Một số cửa hàng làm trà sữa trân châu từ tinh trà, là chất tổng hợp hóa học, nếu dung nạp quá nhiều chất này vào cơ thể thì sẽ gây ra tổn thương cho gan thận về lâu dài.
Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, người tiêu dùng không nên uống trà sữa ở các cửa hàng điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các hàng ăn uống vỉa hè không đáp ứng yêu cầu quy định về an toàn thực phẩm.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Chuyên gia chỉ "vạch trần" lý do trà sữa gây ngộ độc nguy hiểm tính mạng
Bản thân món trà sữa làm đúng cách sẽ không gây ra ngộ độc cho người sử dụng hay phải kiêng dùng chung với món này món kia như người ta vẫn nói mà vấn đề cơ bản nằm ở nguồn gốc nguyên liệu, cách pha chế trà sữa.
Sự thật giật mình đằng sau hạt trân châu giòn dai trong ly trà sữa
Những nguyên liệu này rẻ hơn nhiều lần thông thường, không nhãn mác và thông tin về sản phẩm đang được bày bán công khai tại nhiều chợ đầu mối nguyên liệu.
Tại sao trà sữa đắt tiền, nhiều người trẻ vẫn uống?
Nhiều bạn trẻ cho hay họ bị "nghiện" trà sữa, sẵn sàng chi 2-3 triệu đồng một tháng để mua đồ uống này.
Đoạn phố nhỏ 10 hàng trà sữa: Cơn sốt mới trong giới trẻ
Những cái tên lạ hoắc lần đầu tiên xuất hiện đang tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu trà sữa. Đua nhau mở các cửa hàng, chuỗi bán trà sữa đã tạo ra một làn sóng mới tại Hà Nội.
Bùng nổ 'trà sữa nhà làm': Mua hóa chất về nhà chế biến
Gần đây rộ lên nhiều thông tin liên quan đến món giải khát ưa chuộng của giới trẻ như trà sữa chỉ chứa hóa chất, trà sữa có giòi... Để lấy lại niềm tin của khách, nhiều nơi treo bảng hiệu “trà sữa nhà làm”.