Các đối tượng sẵn sàng chuyển khoản tiền đặt cọc vài triệu đồng để lấy lòng tin, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.
Cụ thể, mới đây các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng A.L.B (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để đặt tiệc tiếp khách. Sau khi thống nhất các món ăn, đối tượng yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng và đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc.
Nhà hàng liên hệ nhiều nơi nhưng không tìm thấy loại rượu và hồng sâm theo yêu cầu.
Ngay sau đó, đối tượng giới thiệu số điện thoại người bán để nhà hàng liên hệ. Sau khi nhân viên nhà hàng liên lạc, báo giá để khách chuyển tiền mua rượu, nước hồng sâm thì được “khách hàng” gửi lại hình ảnh đã chuyển khoản thành công số tiền.
Các đối tượng liên tục thông báo khách sắp đến dự tiệc, hối thúc nhà hàng chuẩn bị. Tin tưởng “khách hàng” đã chuyển tiền, có thể số tiền đến chậm do chuyển liên ngân hàng nên nhà hàng đã chuyển số tiền đặt hàng cho phía người bán rượu.
Đến giờ vào tiệc, nhà hàng mới phát hiện không có khách nào đến dự và cũng không có ai mang rượu, hồng sâm tới. Còn khách VIP, người bán rượu thì đã chặn liên lạc.
Cũng chiêu thức lừa đảo tương tự, anh Quốc Tiến chủ nhà hàng T.T.C (Huế) chia sẻ, cách đây 4 ngày, nhà hàng anh được một người lạ mặt có tên Zalo Minh Quân gửi lời kết bạn và đặt tiệc cho 50 khách.
Tự nhận làm ở cơ quan thuộc Quốc hội, Quân cho biết đây là tiệc sang trọng dành cho các thành viên trong Quốc hội nên cần setup hoa, các món ăn đắt nhất của nhà hàng và quan trọng là phải có đúng loại rượu mà họ yêu cầu.
Nhà hàng yêu cầu chuyển 2 triệu đồng để xác nhận đặt bàn và đối tượng chuyển đúng số tiền này. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc xong, đối tượng yêu cầu phải phục vụ chính loại rượu mà họ mong muốn với số lượng nhiều.
Loại rượu này có giá bán khoảng 3 triệu đồng/chai và ở Huế hầu như không tìm được chỗ để mua. Sau đó, đối tượng tên Quân giới thiệu người bán rượu cho nhà hàng.
Anh Quốc Tiến kể, quản lý nhà hàng liên hệ với người bán rượu, đồng thời nhắn Quân chuyển hơn 32 triệu đồng để nhà hàng thanh toán tiền mua rượu.
Đến khoảng 17h cùng ngày, Quân gửi cho anh Tiến hình ảnh nội dung đã chuyển khoản thành công số tiền 32,5 triệu đồng và hình ảnh biến động số dư vào tài khoản của quản lý nhà hàng. Tuy nhiên, quản lý nhà hàng không nhận được thông báo biến động số dư từ nhà băng. Thắc mắc thì đối tượng nói do chuyển liên ngân hàng nên chưa nhận được ngay.
Đối tượng còn “chơi sộp” trả tiền cho nhà hàng tiền mua ly uống rượu vang và hoa trang trí cho bữa tiệc, nhưng tất cả đều là lệnh giả.
Theo anh Tiến, chiêu lừa đảo này rất tinh vi, rất may quản lý nhà hàng đã phát hiện kịp thời, chưa thực hiện chuyển khoản tiền mua rượu. Khi biết nhà hàng phát hiện ra chiêu lừa đảo, đối tượng tên Quân đã chặn số Zalo của quản lý.
“Các đối tượng rất tinh vi, ngoài bị mất tiền mua rượu, nhà hàng còn phải chuẩn bị số nguyên liệu cho hơn 50 người ăn dẫn tới mất công sức, thời gian và tiền bạc. Vì vậy, các nhà hàng cần cẩn thận, không mua giúp vượt quá số tiền cọc để tránh mất tiền”, anh Tiến cảnh báo.
Không may mắn như anh Tiến, trường hợp chị T.T. chủ nhà hàng N.Y chia sẻ, cách đây một tuần, chị bị dính bẫy lừa đảo đặt tiệc nhà hàng. Đối tượng liên hệ đặt tiệc cho 50 người ăn vào lúc 16h30 để chiêu đãi sau cuộc họp đấu thầu dự án. Gần sát giờ tiệc, các đối tượng cũng dùng chiêu trò nhờ mua rượu để chiếm đoạt tiền. Cuối cùng, chị T. bị lừa mất hơn 100 triệu đồng.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Đà Nẵng cho biết, các đối tượng lên kịch bản lừa đảo rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic. Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục khiến bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép, làm theo kịch bản đã giăng ra.
Ngoài ra, chúng còn làm giả thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công để bị hại tin tưởng.
Do vậy, Công an Đà Nẵng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng cần cảnh giác phương thức, thủ đoạn trên.