Nhiều người vẫn đùa rằng hạt mắc khén có khả năng mê hoặc cả những thực khách khó tính nhất!

{keywords}
Hạt mắc khén.

Hạt mắc khén có đặc điểm gì? Về nguồn gốc, hạt mắc khén thu được từ cây mắc khén có tên khoa học là Zanthoxylum rhetsa, thuộc họ Rutaceae. Cây còn được gọi bởi một số cái tên khác như sẻn hôi, cóc hôi, vàng me, xong, hoàng mộc khôi.

Tại Việt Nam, cây mắc khén phân bố rộng rãi ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Thậm chí, hạt còn được ví như hồ tiêu của vùng Tây bắc dù mùi vị không hoàn toàn giống với hồ tiêu mà đậm đà, khác lạ hơn nhiều.

Được biết, đây là loại cây thân gỗ cao từ 14 – 18 mét, thân thẳng, vỏ có nhiều gai, lá kéo lông chim, chỉ mọc ở những vùng núi cao từ 500 – 1.500m so với mực nước biển. Hoa mọc thành chùm màu xám trắng, mùa hoa ra từ tháng 6 – 7, mùa quả chín từ tháng 10 – 11….

{keywords}
Hạt mắc khén rừng

Quả mắc khén non có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu hồng, mọc thành từng chùm. Các quả có hình tương đối tròn, có ngạnh, to cỡ hạt tiêu non. Tháng 11 là thời điểm chính để thu hoạch hạt mắc khén. Quả tươi sẽ cho hương thơm đậm đà hơn nhưng không bảo quản được lâu nên người dân bẻ về thường đem treo lên gác bếp cho khô để dùng cả năm.

Khi khô, quả sẽ tự động tách vỏ để lộ ra phần hạt có màu đen lấp lánh, phần vỏ hạt tạo thành hình bông hoa xinh xắn, trông khá giống cánh hồi thu nhỏ. Nhiều người lầm tưởng phần hạt màu đen là tinh túy của mắc khén và thường được dùng làm gia vị. Nhưng thực chất phần có hương vị tuyệt vời là vỏ quả. Phần hạt đen bên trong không có mùi vị đặc biệt nên nhiều người cẩn thận còn đãi bỏ chứ không dùng.

{keywords}
Sử dụng mắc khén trong các bữa ăn hàng ngày

Theo y học hiện đại, quả mắc khén chứa 0,24% alcaloid và tinh dầu. Trong khi đó, phần vỏ quả mắc khén chứa 4-caren, b-pinen, d-a-dihydrocarvol, d-terpinen, d-a-phellandren, 4-terpinol và dl-carvotanacetone và một số chất kháng khuẩn rất tốt cho sức khỏe.

Hạt mắc khén có hương vị ra sao, dùng như thế nào?

Hạt mắc khén là thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn hàng ngày của người dân thiểu số, đặc biệt là người dân tộc Thái và người H’Mông. Loai hạt này mang nét đặc thù văn hóa, truyền thống và được ví như linh hồn ẩm thức của một bộ phận không nhỏ người dân tộc vùng cao.

Không cay nồng, xộc lên mũi như tiêu mà tỏa ra một mùi hương nồng dịu, cho bạn cảm giác sảng khoái như được xông tinh dầu trong spa. Với những người sành ăn thì chỉ cần ngửi mùi hạt mắc khén thôi cũng đủ để cảm nhận ra vị ngọt của hương thơm, một hương vị nồng dịu nhưng khó cưỡng. Khi cắn nhẹ một quả mắc khén bạn sẽ thấy cảm giác hơi tê tê, the trên đầu lưỡi, một chút đắng nhẹ và dư vị ngọt ngọt, thơm thơm trong miệng.

Hạt mắc khén dùng tươi thơm ngon hơn nhưng khó bảo quản. Do đó, thông thường người ta đều đem quả mắc khén phơi khô, bảo quản trong lọ thủy tinh kín để dùng dần. Mỗi lần dùng chỉ cần lấy lượng vừa đủ dùng cho 1 – 2 tháng, đem rang 3 – 5 phút cho thơm. Để nguội rồi xay hoặc giã mịn, bảo quản kỹ lưỡng để ngăn hạt mắc khén mất mùi.

{keywords}
Dùng hạt mắc khén tẩm ướp gia vị

Hiện hạt mắc khén được dùng nhiều trong ẩm thực của người dân vùng cao. Nó được dùng để ướp cho các món nướng như cá nướng, gà nướng, thịt nướng… để át mùi tanh và tăng phần hấp dẫn cho món ăn. Mắc khén cũng được dùng cho nhiều món khác như chiên, kho; tẩm ướp thịt sấy khô, thịt gác bếp, thịt hun khói; cho vào nước chấm. Đặc biệt, đây còn là nguyên liệu không thể thiếu trong món chấm tinh túy bậc nhất của người Tây Bắc – chẳm chéo.

Tuy nhiên, như bất cứ loại gia vị nào, khi dùng chỉ nên cho hạt mắc khén ở mức độ vừa phải. Bởi việc lạm dụng có thể khiến món ăn bị đắng, khiến mùi vị của mắc khén quá nồng, át hương vị tự nhiên của món ăn.

(Theo Dân Việt)