Ngày 9/3, tại hội thảo góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi do Đại học Luật Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, công tác quản lý, sử dụng đất đai tới nay vẫn còn tồn tại, hạn chế ở nhiều khâu.

Cụ thể, việc quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm đến việc tiếp cận đất đai còn bất cập, công tác thu hồi bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, nhà đầu tư…

Những điều này dẫn đến hậu quả nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững, số lượng khiếu nại tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhiều.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

 “Vẫn còn đó câu chuyện về việc có những cá nhân tổ chức giàu lên nhờ đất đai một cách thiếu minh bạch, không thuyết phục. Ngược lại, hàng vạn người khánh kiệt vì đất đai, đa phần là người bình thường”, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trọng nhất là từ giao, thu hồi đều phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Liên, dự luật lần này cần làm bài bản hơn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tốt, ổn định, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân nếu không thì rất là vướng, nhiều khi gây ra xung đột lợi ích, gây ách tắc quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Ông Liên đề nghị phải công khai cho dân biết, trừ các quy hoạch mang tính quốc gia. Cùng đó là đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp cận ý kiến nhân dân một cách có trách nhiệm.

 Theo ông, dự luật quy định thu đồi đất với các dự án phát triển kinh tế xã hội chưa rõ, dễ xảy ra tùy tiện.

 Do đó, ông đề nghị phải hết sức xem trọng điều này, rà soát thật kỹ, thủ tục trình tự dự án thông qua được coi là dự án kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, không thể để chung chung.

Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân chia sẻ thực tiễn từ địa phương gặp một số khó khăn.

Cụ thể, Bắc Ninh có 80% khiếu kiện phức tạp đông người, vượt cấp, tiếp dân liên quan tới đất đai. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thế nào hiệu quả nhất thì mới bớt khiếu kiện, đảm bảo hài hòa lợi ích. Trong đó nếu giải quyết được vấn đề giá đất thì giải quyết 70% vấn đề.

Nêu thực tế về phương án đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường, bà Vân ví dụ cùng một gia đình có một miếng đất nhưng lại ở hai dự án khác nhau thì bồi thường cũng đã phức tạp.

Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân. Ảnh: Thanh Chi

Nếu quy định dự án có 80% đồng thuận, còn lại cưỡng chế, nghe thì rất hay nhưng “không làm được đâu, đến ngàn đời cũng khó làm”.

Quy định như vậy sẽ dẫn đến tiền lệ rất xấu. Đó là vì muốn đủ 80% người dân đồng thuận để còn lại 20% thì cưỡng chế, doanh nghiệp lại đi cửa sau, cho anh này thêm mấy trăm, anh kia thêm mấy trăm.

“Thế là loạn giá như chúng ta hay nói ‘con ngoan thì thiệt, con hư thì lại lợi’, rất là phức tạp”, bà Vân ví von.

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam trong cùng ngày, ông Bùi Văn Phòng, nguyên Phó chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình cho rằng Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng mục đích đất bị thu hồi, trong khi điều này có liên quan mật thiết đến giá đền bù.

Nêu thực tế tại Thái Bình, ông Phòng cho hay, mức đền bù đất bị thu hồi thấp hiện chỉ vào khoảng 78 triệu đồng/sào (360m2) đối với khu vực thành phố, 69 triệu đồng/sào với đất thị trấn, thị xã... Tuy nhiên sau khi thu hồi các chủ đầu tư đã phân lô, bán nền có mức giá lên tới vài chục triệu/m2. Thu với giá rẻ, rồi bán nền với giá gấp hàng trăm lần, điều này đã gây bức xúc trong dân, đặc biệt là những người bị thu hồi đất.

Do đó, ông kiến nghị Luật Đất đai sửa đổi nên tách bạch mục đích thu hồi đất và thành lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc thu hồi đất.

Theo đó, đất thu hồi nên chia thành 3 nhóm: thu hồi vì mục đích an ninh-quốc phòng, lợi ích quốc gia công cộng; thu hồi đất vì phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đất thu hồi giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền. Từ đó, Nhà nước xây dựng giá đền bù phù hợp với mục đích thu hồi, người dân dễ dàng chấp nhận và khắc phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.