Một số chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Tư pháp, trong đó có công tác thi hành án.
Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh xử lý trách nhiệm
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ xác định thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) nói chung và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Kết quả, THADS năm 2021 xong 494.505 việc, đạt tỷ lệ 75,82%, giảm 5,59% so với năm 2020 (tương ứng đã thi hành xong hơn 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%, giảm 8,89%).
Năm 2022 đã thi hành xong 539.290 việc, đạt tỷ lệ 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021 (tương ứng đã thi hành xong gần 75.241 đồng, đạt tỉ lệ 45,42%; tăng 14,21%).
8 tháng năm 2023 đã thi hành xong 324.518 việc, đạt tỷ lệ 61,12%, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng đã thi hành xong gần 62.124 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,42%, tăng 33,87%).
Về THAHC, năm 2021 đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định (tăng 92 bản án, quyết định so với năm 2020); năm 2022 đã thi hành xong 429/992 bản án, quyết định (năm trước chuyển sang 489 bản án, quyết định).
Riêng đối với 32 bản án, quyết định người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát năm 2018, đã thi hành xong 26/32 việc.
Trong 6 tháng năm 2023 đã thi hành xong 216/897 bản án, quyết định (năm trước chuyển sang 563 bản án, quyết định), tăng trên 140% so với cùng kỳ năm 2022; đang tiếp tục thi hành 681 việc.
Theo nhận định của Chính phủ, công tác thi hành án về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện và kịp thời triển khai thực hiện đã góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Công tác theo dõi THAHC của hệ thống THADS đã đi vào nền nếp, thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh việc kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.
Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, so với năm 2021, năm 2022 số việc thi hành án chuyển kỳ sau tuy đã giảm (giảm 27.173 việc) nhưng vẫn còn cao.
Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều, vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác ra quyết định thi hành án (thu hồi, hủy bỏ 376 quyết định/547.121 quyết định, chiếm tỉ lệ 0,07%, bằng với năm 2021).
Qua sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt thấp so với cùng kỳ, trong khi các việc loại này chiếm đến 41,45% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc…
Một số chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý; còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền.
Chẳng hạn như mặc dù VKSND đã có 7 kiến nghị đối với chủ tịch UBND một số quận, huyện của thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.
Trong nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết có một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản, trong khi đó khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, biên chế liên tục bị cắt giảm dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc.
Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong một số cơ quan THADS chưa nghiêm, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra tuy đã được quan tâm, chú trọng nhưng có nơi hiệu quả vẫn chưa cao.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Tòa án. Có giải pháp thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2018 đến nay chưa thi hành xong.
Trong năm 2021 các cơ quan giải quyết bồi thường trên cả nước đã thụ lý giải quyết tổng số 106 vụ việc, đã giải quyết xong 17 vụ việc, đình chỉ 7 vụ việc trên tổng số 106 vụ việc được thụ lý (đạt tỷ lệ 22,64%), tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 6 tỷ đồng; 82 việc đang được tiếp tục giải quyết.
Năm 2022, các cơ quan giải quyết bồi thường trên cả nước đã thụ lý giải quyết tổng số 103 vụ việc (giảm 3 vụ việc so với năm 2021), trong đó thụ lý mới 26 vụ việc, từ kỳ trước chuyển sang 77 vụ việc. Số vụ việc có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 41 vụ việc (đạt tỉ lệ 40%), đình chỉ 10 vụ việc (đạt tỷ lệ 10%) trên tổng số 103 vụ việc được thụ lý; tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 26,3 tỷ đồng, đã chi trả số tiền bồi thường hơn 14,456 tỷ đồng; 52 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết (chiếm tỷ lệ 50%).
Riêng đối với các vụ việc tồn đọng từ năm 2021 chuyển sang 2022, Bộ Tư pháp đã có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh/thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, trên cơ sở kết quả đôn đốc, tính đến ngày 28/2/2023, các địa phương đã giải quyết xong 23 vụ việc trên tổng số 58 vụ việc tồn đọng của năm 2021 chuyển sang 2022.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8.