Để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xã Yên Cường (Ý Yên) đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân và khẳng định vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Xã Yên Cường đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. |
Một điều đáng ghi nhận ở Yên Cường là đã thực hiện thành công chương trình ủ phân hữu cơ sử dụng để sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Nguyễn Văn Dự, khi người dân tham gia mô hình sản xuất rau sạch, an toàn đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành sản xuất theo yêu cầu mới. Việc dọn vệ sinh đồng ruộng được tiến hành thường xuyên để ngăn chặn nguồn sâu bệnh; không bón phân tươi, đạm ure và bảo đảm thời gian cách ly sản phẩm theo quy chuẩn hướng dẫn; không dùng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, khi đến thời điểm thu hoạch nếu xuất hiện loại sâu thì phun trừ bằng dung dịch chế biến từ các loại thảo mộc gồm gừng, tỏi, ớt xay nhỏ ngâm với rượu.
Được UBND huyện, Phòng NN và PTNT huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền xã tạo điều kiện, cán bộ các HTX nông nghiệp và một số hộ nông dân đã được tham gia chương trình học tập trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản; đồng thời mời các chuyên gia Nhật Bản sang trực tiếp hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ theo quy mô hộ gia đình. Theo đó, việc ủ phân hữu cơ được các chuyên gia của Nhật Bản hướng dẫn ngay tại đầu bờ theo nhóm 30 hộ nông dân làm tại ruộng và được thực hiện theo công thức 70% phân gia súc, gia cầm và 30% là các loại phế phụ phẩm nông nghiệp là cỏ, thân cây lạc, ngô, cà chua... trộn lẫn với phân rồi ủ và che kín bằng bạt.
Trong điều kiện hiện nay thì sử dụng nguồn phân được ủ lên men tự nhiên với quy mô nông hộ là phù hợp với khả năng và tập quán canh tác của địa phương. Phân ủ có hàm lượng hữu cơ cao và sản sinh nhiều loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Quá trình ủ phân cần chú ý bảo đảm nhiệt độ ô chuồng ủ, tùy theo điều kiện thời tiết để nguấy đảo, trộn đều trong thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng đầu, nếu muốn tăng nhiệt độ chuồng ủ thì cho thêm cám gạo, thời gian ủ từ 3-4 tháng. Khi đưa vào sử dụng cần rắc đều phân trên mặt ruộng, sau đó dùng máy phay hoặc cuốc đất đều rồi để hả đất trong khoảng 1-2 tuần để các loại vi sinh vật có lợi hoạt động tiêu diệt hết các vi khuẩn, thiên địch có hại, bổ sung độ phì nhiêu cho đất sau đó mới trồng rau màu. Như vậy môi trường đất sạch, cây trồng khỏe sẽ bảo đảm sinh trưởng tốt, hầu như không có sâu bệnh và không phải sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật.
Việc tổ chức sản xuất rau màu theo vùng quy hoạch bằng phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm ở xã Yên Cường đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn hẳn. Trong đó, vai trò của các HTX nông nghiệp được phát huy, người nông dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Thời gian tới, xã Yên Cường sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân mở rộng diện tích trồng rau an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân.
Văn Thường