Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, TP Lai Châu đã rà soát các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng để ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Quá trình thực hiện đã hình thành được các vùng sản xuất như: Sản xuất gạo tẻ dâu chất lượng cao 100 ha ở xã San Thàng, Nậm Loỏng; vùng trồng hoa hồng với diện tích gần 100 ha ở xã San Thàng, Sùng Phài; vùng trồng chè  với hơn 200 ha; các mô hình, hợp tác xã sản xuất rau thủy canh, nấm đông trùng hạ thảo…

Cho đến nay, các sản phẩm nông nghiệp hình thành theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với thị trường ổn định, giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng. 

{keywords}
Thu nhập tăng nhờ chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 

Hợp tác xã rau thủy canh Quyết Tâm là một chuỗi sản xuất, tiêu thụ điển hình với các mặt hàng như dưa leo, dưa thơm, cà chua, rau xà lách, các loại rau cải...và  các sản phẩm trái vụ, vừa phục vụ nhu cầu khách hàng vừa tránh tình trạng được mùa mất giá, tạo tính cạnh tranh và mở rộng được quy mô diện tích.

Hợp tác xã hoa cây cảnh Lai Châu mới được thành lập gần hai năm nay có 5 ha hoa hồng và 3 ha măng tây, bình quân mỗi năm, thu bốn lứa hoa, trừ chi phí mỗi ha có lợi nhuận 450-600 triệu đồng. Đối với măng tây vào thời điểm thu hoạch mỗi ngày thu được từ 100-130 kg/ngày, với giá bán 70-80.000 đồng/kg. Mọi đầu ra của sản phẩm đều được ký hợp đồng bao tiêu với các thương lái ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế, hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Hiện mỗi năm hợp tác xã giải quyết cho gần 20 lao động làm việc lâu dài với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. 

Ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch UBND TP Lai Châu cho biết: Để các mô hình, chuỗi liên kết hoạt động không bị manh mún, TP Lai Châu khuyến khích các hộ kin.h doanh, hợp tác xã trên địa bàn hướng tới chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng, nhằm tạo sản phẩm an toàn chất lượng cao. Bên cạnh đó, thành phố triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu như: hỗ trợ về giống, lãi suất ngân hàng, hỗ trợ nhà xưởng sơ chế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất sản xuất…

Những chủ trương, chính sách hỗ trợ này đã khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Năm ngoái, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn đạt hơn 300 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 115 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng.

Anh Duy