Sự hoài nghi này đang làm trầm trọng hóa các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy đâu là "thủ phạm"?

>> Căng với phương Tây, Putin muốn 'xoay trục' châu Á?

>> Philippines hết muốn dựa Mỹ đối phó TQ?

>> Tìm kiếm MH370 và chiếc lược 'buộc chặt rồng TQ'

Chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới Trung Quốc, chuyến công du của lãnh đạo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ Gina McCarthy tới Đài Loan cũng như phản ứng của giới lãnh đạo Trung Quốc trước những sự kiện này cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục trải qua cái mà nhiều chuyên gia gọi là "sự ngờ vực chiến lược".

Sự hoài nghi này đang làm trầm trọng hóa các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy đâu là "thủ phạm" của sự hoài nghi chiến lược Trung - Mỹ?

Các thông cáo chung năm 1972, 1979 và 1982 đóng vai trò như những nền tảng cho quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời nghịch lý là cũng làm xói mòn quan hệ song phương trong 2 vấn đề then chốt là Đài Loan và Nhật Bản.

{keywords}
Ông Obama và Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Reuters

Vấn đề Đài Loan

Sự hoài nghi trong vấn đề Đài Loan hiển nhiên giữ vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, vì nó chiếm vị trí trung tâm trong cả 3 thông cáo chung. Tuy nhiên, mỗi thông cáo chứa đựng sự nhập nhằng về cấu trúc ngôn từ trực tiếp về nền tảng của quan hệ Mỹ - Trung. Ngôn từ được dùng hé lộ, mỗi bên có cách hiểu khác nhau và quan điểm đối lập về tương lai chính trị của "một Trung Quốc".

Đảng cộng sản Trung Quốc (CPC) tuyên bố là nhà cầm quyền hợp pháp của "một Trung Quốc" và nhấn mạnh quan điểm buộc giới chức Mỹ phải chấp nhận tính hợp pháp của Đảng và trao trả Đài Loan về cho Trung Quốc. Quan điểm của Mỹ công nhận CPC, nhưng vẫn giữ thái độ không rõ ràng, chỉ "thừa nhận một chính phủ hợp pháp" của "một Trung Quốc" mà không nói rõ đó là chính phủ nào.

Quan điểm mập mờ của Washington đã rõ ràng hơn khi xem xét các thay đổi liên quan đến quan hệ Mỹ - Đài Loan. Lấy các hành động của quốc hội Mỹ làm ví dụ. Các hành động này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ về văn hóa, phòng vệ, kinh tế và chính trị đối với giới cầm quyền và cư dân Đài Loan.

Chúng cũng xảy ra trong một bối cảnh được định hình bằng các tiền lệ mạnh mẽ. Xét về lịch sử, phía Mỹ đã hậu thuẫn đồng minh Thế chiến hai Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng (KMT) trong cuộc nội chiến của Trung Quốc. Kết thúc chiến tranh, thông qua các thỏa thuận Cairo, Potsdam và Yalta, Mỹ cùng với các cường quốc khác đã trao trả Đài Loan cho Trung Quốc. Vào thời điểm đó, KMT là đảng cầm quyền của "một Trung Quốc".

Trong các thập niên tiếp theo, phía Mỹ tiếp tục ủng hộ KMT, đồng thời tham gia các cuộc chiến gián tiếp với CPC và mất 30 năm mới thừa nhận CPC là đảng cầm quyền hợp pháp của Trung Quốc đại lục. Bối cảnh quan hệ Mỹ - KMT như thế này đã tăng thêm nét đặc trưng cho quan điểm mập mờ của Washington.

Trong thông cáo năm 1982, giới cầm quyền Mỹ từng trấn an rằng, nước này sẽ giảm và chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan, trong khi giới chức Trung Quốc cam kết một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Đối với Mỹ, suốt hơn 30 năm, nước này đã bán vũ khí cho chính quyền Đài Loan.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã và vẫn tiếp tục lo lắng trước một số hợp đồng mua bán và các cuộc thảo luận mua bán vũ khí có tính năng tấn công, chẳng hạn như vào năm 1992, khi Mỹ bán các chiến đấu cơ F-16 A/B cho Đài Loan. Thêm vào đó, phía Trung Quốc coi các cuộc thảo luận mua bán vũ khí giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan tương đương với sự hậu thuẫn chính thức về chính trị và quân sự cũng như công nhận Đài Loan.

Về phần mình, nhà cầm quyền Trung Quốc cam kết sự tái thống nhất một cách hòa bình. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh có quyền dùng vũ lực chống lại Đài Loan và vào năm 1995 đã xác định 3 điều kiện buộc phải vận dụng sức mạnh quân sự.

Từ quan điểm của Mỹ, một vấn đề trọng yếu là, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì hơn 1.100 tên lửa tầm ngắn và tầm trung triển khai ở các tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến. Việc dàn trận tên lửa này không chỉ đe dọa Đài Loan và Nhật, 2 vùng lãnh thổ Mỹ đều nhận được yêu cầu bảo vệ, mà còn đe dọa cả các cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật.

{keywords}
Tiêm kích đa năng F-16A/B Đài Loan

Vần đề Nhật Bản

Nguồn cơn thứ hai của sự ngờ vực chiến lược là Nhật. Bất chấp ảnh hưởng lớn của quan hệ Mỹ - Nhật đối với quan hệ Mỹ - Trung, chỉ thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 đề cập tới Nhật.

Theo thông cáo, phía Trung Quốc tuyên bố, "họ kiên quyết phản đối sự mở rộng mang tính khôi phục và tiến xa hơn của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, cũng như kiên quyết ủng hộ nguyện vọng của người dân Nhật về việc xây dựng một nước Nhật độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập". Phía Mỹ nhấn mạnh, nước này "đề cao nhất mối quan hệ thân thiện với Nhật và sẽ tiếp tục phát triển các mối ràng buộc chặt chẽ đã có".

Trong quan niệm của Trung Quốc, Washington là tác nhân chính cho sự chuyển biến của Nhật. Theo thời gian, Mỹ đã giúp biến lực lượng tự phòng vệ của Nhật trở thành một quân đội quốc gia. Và nước này cũng hỗ trợ phía Nhật thâu tóm và sản xuất các hệ thống vũ khí công nghệ tiên tiến, một vài trong số chúng có khả năng tấn công, thông qua sự cộng tác. Ngay trong hiện tại, giới lãnh đạo Trung Quốc coi Mỹ là tác nhân chính cho sự trỗi dậy của Nhật và rằng nước này thiếu quyết tâm chính trị để kiềm chế một nước Nhật ngày càng quả quyết.

Cả phía Mỹ và Trung Quốc trong các thông cáo năm 1972 và 1978 đều nhất trí rằng, không bên nào theo đuổi quyền bá chủ và sự thống trị ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, các thỏa thuận an ninh Mỹ - Nhật và quy mô chống đỡ quân sự của Mỹ không chỉ hé lộ việc Washington đang theo đuổi vị trí bá chủ trong khu vực, mà còn cho thấy họ đang thông đồng với Nhật (và với Philippines) để tạo ra tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong cấu trúc khu vực tiềm năng, Mỹ và Nhật Bản sẽ nằm ở vị trí lãnh đạo trung tâm, và tầm ảnh hưởng bao gồm bán đảo Triều Tiên, khu vực eo biển Đài Loan cũng như các khu vực kéo dài đến eo biển Malacca. Về cơ bản, các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, giới chức Mỹ có thiết kế đầy tham vọng cho khu vực, bao gồm cả vai trò trọng yếu đối với Nhật Bản. Và vì những lí do hiển nhiên này, Mỹ đã cắt xén cam kết trong các thông cáo năm 1972 và 1978.

Ngược lại, phía Mỹ có thể cảm thấy rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc đang nhắm loại bỏ Mỹ và thiết lập một cấu trúc khu vực với Trung Quốc ở trung tâm. Chẳng hạn như, Bắc Kinh đã theo đuổi các tính năng vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa chống tàu và các phương tiện siêu thanh ít hoặc thiếu minh bạch cũng như không có đối thoại thể chế.

Từ quan điểm của Mỹ, các khả năng ngày càng tăng, ẩn giấu sau "bức tường chắn sáng khổng lồ" cho thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể là một mối đe dọa mới mẻ. Để đáp lại, giới chức Mỹ hiện có xu hướng chơi "quân cờ Nhật Bản," "quân cờ Philippines" và cả "quân cờ Hàn Quốc" để tạo ra các trung tâm quyền lực nhằm đối đầu và làm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong quá khứ, cách tiếp cận này đã dẫn đến các cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, đối với hiện tại, nó đã khuyến khích giới lãnh đạo Trung Quốc thực thi các biện pháp phòng vệ và tấn công ngày càng chủ động hơn.

Quỳnh Anh (theo The Diplomat)

* Tác giả bài viết, tiến sĩ JM Norton, hiện giảng dạy về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc (CFAU) ở Bắc Kinh, Trung Quốc.