Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội cho TP.HCM. 

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, những kết quả đạt được của thành phố trong quý I/2023 dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TP.HCM

Theo Thủ tướng, tại buổi làm việc, TP.HCM đã báo cáo và gửi 29 kiến nghị giúp thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. 

Trong đó, có 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành. 

Trong kiến nghị về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng cho biết đã rà soát, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có TP.HCM. Thủ tướng yêu cầu TP xây dựng đề án tái cơ cấu, đề xuất để bộ, ngành cùng tháo gỡ, thực hiện. 

Về các dự án giao thông liên vùng, TP đề xuất 2.900 tỷ thực hiện, Thủ tướng cho biết đang đề xuất với các cấp có thẩm quyền để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội.

Về kiến nghị Bộ GTVT là cơ quan chủ trì đầu tư Cao tốc TP.HCM-Trung Lương, Thủ tướng cho biết phủ đã giao và Bộ GTVT cũng đã nhận nhiệm vụ.

Về kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong vùng hỗ trợ, chia sẻ với TP.HCM và các tỉnh có Vành đai 3 đi qua, hỗ trợ cung ứng vật liệu xây dựng, theo Thủ tướng, trong ngày 12/4, Chính phủ đã chỉ đạo tổ công tác thực hiện phối hợp.

 “Tổ công tác báo cáo bằng văn bản lên Thủ tướng nếu địa phương nào cát cứ, không phối hợp chia sẻ để có biện pháp xử lý trách nhiệm. Nguyên vật liệu, tài sản là của toàn dân, Nhà nước chỉ đại diện sở hữu để phân phối hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về kiến nghị chi từ ngân sách xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ TP.HCM, Thủ tướng đề nghị thành phố thực hiện cơ chế ứng vốn, Trung ương ít nhiều cũng sẽ có hỗ trợ. Trong đó, Chính phủ  sẽ sắp xếp nguồn dự trữ và điều chỉnh từ các nguồn dự án, công trình đã chi vốn mà không triển khai. 

Về các nhóm kiến nghị liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án nhóm A; liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội, giao đất… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng thành phố giải quyết nhanh, phù hợp. 

Ngoài ra, trong từng lĩnh vực, Thủ tướng cho biết, cũng đã giao cho từng Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo. Qua đó, Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng đã được giao việc  cần khẩn trương thực hiện.  

“Nếu bộ, ngành nào không quyết, các Phó Thủ tướng phải quyết. Phải trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu vì lợi ích chung.  Các bộ, ngành không làm phải có báo cáo lên Thủ tướng để ghi điểm trừ và có biện pháp xử lý phù hợp”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Thủ tướng cũng cho biết, không chỉ TP.HCM mà còn nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi các quyết định trước đây không còn phù hợp với thực tiễn, việc này cần sửa ngay, không ngần ngại.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Ngoài xử lý các kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo nhiều nhóm vấn đề để TP.HCM triển khai thực hiện. 

Cụ thể, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, TP.HCM cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. 

Bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…để triển khai. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến các đại biểu tại buổi làm việc

Theo Thủ tướng, TP.HCM cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của mình để phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém để có các giải pháp phù hợp khắc phục, đưa kinh tế trở lại đà tăng trưởng vốn có. 

Bên cạnh đó, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp.  

“Luôn nêu cao tinh thần liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả, thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm như: Nhà ga T3 tân Sơn Nhất, tuyến Metro 1, đường Vành đai 3, Dự án Rạch Xuyên tâm; Nút giao An Phú; mở rộng Quốc lộ 50...

Cùng với đó là quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng cũng lưu ý, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Trước đó, phát biểu ý kiến, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đề cập đến vấn đề dám nghĩ, dám làm của cán bộ. Bí thư Thành ủy cho rằng, trước hết ở cán bộ cấp cao. Theo ông, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Chính phủ cũng có nhiều kết luận, quyết định về vấn đề này. Đối với cấp dưới, TP HCM cũng đã làm nhiều việc nhưng "thành phố chỉ làm được tới mức khuyến khích, động viên, còn bảo vệ thì chờ Quốc hội, Chính phủ" - ông nói. Từ đó, người đứng đầu Thành ủy kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo hoàn chỉnh nghị định hướng dẫn thực hiện Kết luận 14 để cán bộ yên tâm làm việc. "Hiện nay, TP.HCM đang chỉ đạo cán bộ làm với tinh thần cái nào của mình thì cứ làm, không đề xuất, kiến nghị. Vướng chỗ nào thì báo cáo, cấp nào nhận đề xuất thì cấp đó giải quyết"- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Cũng vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, các vấn đề được hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố. "Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy cho nhau. Trung bình mỗi ngày, bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản, mà chúng tôi còn trăm ngàn việc khác. Còn 63 địa phương khác nếu ai cũng vậy thì suốt ngày trả lời, trong khi đã phân công phân cấp rồi" - ông Dũng nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận xét, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay tại TP.HCM là giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm.