Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều câu chuyện liên quan đến công tác nhân sự của ngành.
Lãnh đạo sai thì Bộ trưởng Tư pháp có chịu trách nhiệm?
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương thường lo các công việc 'cháy nhà chết người' mà không quan tâm xây dựng thể chế pháp luật ở địa phương.
“Thể chế pháp luật và thực thi là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “kỷ cương phép nước”, phục vụ đất nước phát triển có kỷ luật, kỷ cương. Không phải chỉ lo trước mắt mà phải lo nền tảng”, Thủ tướng nói và khẳng định, Chính phủ trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò của ngành tư pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Theo Thủ tướng, ngành tư pháp đã tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong chính sách pháp luật ở những thời điểm đất nước vô cùng khó khăn, thiên tai bão lụt, dịch bệnh.
“Tất cả các vấn đề liên quan đến thể chế pháp luật cần tháo gỡ kịp thời, đề xuất thống nhất của hệ thống pháp luật trong đó có cơ quan tham mưu là Bộ Tư pháp. Anh ra quyết định có vi hiến không, có chồng chéo pháp luật không thì lúc đó Bộ Tư pháp và người làm công tác pháp chế phải soi kỹ, xem chặt, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Điều đó rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, về quản lý con người ở các cơ quan tư pháp là rất quan trọng, con người quyết định sự thành công.
“Tôi hỏi Bộ trưởng Lê Thành Long đến nay ngành tư pháp Việt Nam là ngành có số biên chế trực tiếp lớn thứ nhì, sau ngành tài chính. Đặc biệt là hệ thống thi hành án dân sự ở các địa phương, các trường thuộc Bộ quản lý…là 9.500 người. Cả hệ thống tòa, kể cả sở tư pháp, phòng tư pháp là trên 45.000 người. Nếu 45.000 người này gương mẫu, tận tụy, nêu gương, thực thi pháp luật, thúc đẩy công vụ dân chủ thì tôi tin đất nước có sự chuyển biến”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, khi bí thư, chủ tịch tỉnh hỏi vấn đề này như thế nào; khi Thủ tướng, Phó thủ tướng hỏi vấn đề này có đúng pháp luật không, đúng thẩm quyền không thì thì Giám đốc Sở Tư pháp trả lời; còn ở Trung ương thì Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được ủy quyền trả lời.
“Vai trò, vị thế của các đồng chí lớn chứ ko phải bình thường đâu. Lãnh đạo sai thì Bộ trưởng Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp có chịu trách nhiệm không? Rõ ràng là có trách nhiệm”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý trường hợp tỉnh Phú Yên có nhiều vụ kiện quốc tế xảy ra thì Giám đốc Sở Tư pháp có chịu trách nhiệm khi tỉnh đặt bút ký như vậy hay Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh cứ ký sau này nhận hậu quả.
Ứng dụng công nghệ để thể chế pháp luật không kìm hãm sự phát triển
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ghi nhận năm 2019-2020 có vụ kiện quốc tế Việt Nam thắng và thu về gần 100 triệu USD và cho rằng đây là thành tích của Bộ Tư pháp, rất đáng khen thưởng. “Các đồng chí phải nêu gương tốt hơn để bảo vệ tốt hơn nền tư pháp Việt Nam. Làm tốt, hiểu biết kỹ thì tham mưu tốt, ngăn chặn bớt sai phạm”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề, các lãnh đạo cấp bộ, các bí thư tỉnh có quan tâm đến công tác pháp chế ở bộ, địa phương mình không hay khoán trắng cho ông thứ trưởng hoặc vụ trưởng.
Thủ tướng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP |
“Tôi được biết có Bộ trưởng cả nhiệm kỳ không bao giờ đến Vụ Pháp chế làm việc. Chúng ta cũng thấy, rất ít Vụ trưởng pháp chế hay Giám đốc Sở Tư pháp lên thứ trưởng hoặc Phó Chủ tịch tỉnh, chỉ trừ chị Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và anh Sơn - Phó Chủ tịch TP.HCM”, Thủ tướng nêu thực tế và yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyển chọn người tài làm công tác pháp chế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tinh thần sắp ở thời là thời kỳ công nghệ phát triển nhanh, nhất là trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Vì vậy, luật pháp phải đáp ứng thời kỳ công nghệ này để thể chế pháp luật không kìm hãm sự phát triển của đất nước; những sáng kiến, sáng tạo, khởi nghiệp không phải bỏ chạy ra nước ngoài đăng ký.
“Ta có thể chế quản lý được việc này và tạo điều kiện cho phát triển, không thể không quản lý mà cấm kinh doanh. Công nghiệp 4.0 và pháp luật phải làm sao tạo điều kiện phát triển. Còn không chúng ta lạc hậu với thời đại”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng lưu ý không để tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay. “Các đồng chí phải giúp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, cấp quản lý chuyên ngành không bị sai phạm, muốn thế các tỉnh phải cầu thị”, Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ; ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi... |
Thu Hằng
Ngành tư pháp phải bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu ngành Tư pháp tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật.