Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8.

thu tuong5.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Minh Nhật

Tháp tùng Thủ tướng có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn.

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay Palam, về phía Ấn Độ có Quốc vụ khanh Ngoại giao Ấn Độ Pabitra Margerita, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Ấn Độ; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Mumbai Lê Quang Biên và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

thu tuong 1.jpg
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quân sự Palam phía Ấn Độ Quốc vụ khanh Ngoại giao Ấn Độ Pabitra Margerita, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Ảnh: Minh Nhật

Trong ngày làm việc đầu tiên tại Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Ấn Độ, trong đó có ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani, ông Dharmesh Shah - Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR, ông Arun Kumar Singh -  Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ONGC...

Ngoài ra, Thủ tướng sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ, Công bố đường bay Đà Nẵng – Ahmedabad và đón hành khách thứ 200 triệu của VietjetAir.

thu tuong6.jpg
Ấn Độ chào đón Thủ tướng bằng điệu múa truyền thống, ngay tại sân bay. Ảnh: Nhật Bắc
thu tuong.jpg
Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng sẽ đến dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ. 

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ diễn ra vào sáng ngày 1/8. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai bên.

thu tuong 2.jpg
Bà con kiều bào đến sân bay đón Thủ tướng. Ảnh: Minh Nhật

Cũng trong ngày thứ 2 tại Ấn Độ, Thủ tướng sẽ hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu; gặp Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar; tiếp Chủ tịch Hạ viện Om Birla...

Một hoạt động quan trọng khác là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra sau khi Ấn Độ tổ chức thành công bầu cử Hạ viện lần thứ 18, Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Ấn Độ sau khi nước này bầu cử Hạ viện và có Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng sau khi hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ mới - Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2016.

Chuyến thăm của Thủ tướng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo hai nước, nhất là giữa hai Thủ tướng.

Qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hai bên củng cố những lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời mở rộng ra nhiều lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, AI, bán dẫn, vật liệu mới, khoáng sản thiết yếu...

Ấn Độ có diện tích gần 3,3 triệu km2 với dân số 1,4 tỷ người; GDP đạt 1,94 nghìn tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 1.385 USD.

Kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, GDP tăng trưởng 8,2% trong năm tài khóa 2023-2024 và nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu thu hút FDI năm 2024, đạt 71 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ phát triển nhanh, trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới. Dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục trong lịch sử, đạt 651,5 tỷ USD.

Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với quy mô GDP 3.100 tỷ USD. Dự kiến kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2024 và 2025. 

Vai trò và vị thế của Ấn Độ ở khu vực và quốc tế đang ngày càng gia tăng. Ấn Độ triển khai chính sách đối ngoại đa liên kết, có quan hệ tốt đẹp và cân bằng với các nước lớn (Mỹ, Nga, Nhật Bản, Úc); là thành viên của QUAD, BRICS, dẫn dắt nhiều sáng kiến khu vực và toàn cầu, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch SCO và G20 năm 2023.

Với khu vực Đông Á, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông”, thúc đẩy quan hệ chặt chẽ và hiệu quả hơn với ASEAN; có tiếng nói tích cực vấn đề Biển Đông.