Sáng 24/9, giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), nhân chuyến thăm chính thức tới Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm với doanh nghiệp Brazil.
Dư địa hợp tác còn rất nhiều
Khái quát lại quan hệ 2 nước, Thủ tướng cho biết hai nước là bạn bè truyền thống. Brazil có trên 8 triệu km2 với 214 triệu dân, có nhiều điểm tương đồng và nhiều điểm có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên do khoảng cách địa lý nên có những điều mong muốn nhưng chưa đạt được.
Thời gian tới hai bên sẽ có giải pháp khắc phục tốt hơn. Ngày mai Thủ tướng hội đàm với Tổng thống Brazil, hai bên sẽ bàn những giải pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước.
Thủ tướng cũng thông tin thêm, không gian phát triển quan hệ thương mại, đầu tư hai nước còn dư địa rất lớn.
“Người dân Việt Nam luôn luôn biết đến Brazil là một nước của bóng đá, đất nước của Pele, là một đất nước giàu lòng nhân ái, cởi mở, nền văn hóa Mỹ La tinh rất đặc sắc, một Brazil mạnh nhất khu vực Nam Mỹ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước bài phát biểu của Tổng thống Brazil tại diễn đàn Liên Hợp Quốc về đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
“Dân tộc chúng tôi yêu chuộng hòa bình, coi trọng tình cảm bạn bè, kinh doanh nhưng có đạo đức, văn hóa”, Thủ tướng khái quát về Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng quan hệ 2 nước rất tốt đẹp nhưng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng.
Hiện quan hệ thương mại 2 nước mặc dù là lớn nhất khu vực Nam Mỹ với kim ngạch thương mại hai chiều gần 7 tỉ USD nhưng dư địa còn rất lớn. Bởi các bạn đông dân, diện tích lớn, là thị trường phù hợp với Việt Nam. Đó là những điểm tương đồng có thể bổ sung cho nhau.
Theo Thủ tướng, hiện nay khoảng cách địa lý không quá khó khăn như trước đây nhờ hàng không, hàng hải phát triển. Việt Nam có nhiều cảng trung chuyển quốc tế, phát triển hàng không cũng rất tốt. Vấn đề là hai nước tìm khắc phục những hạn chế về khoảng cách, tìm những điều bổ sung cho nhau. VN nhập bông, ngô của Brazil và xuất khẩu may mặc, da giày cho Brazil. Hai đất nước, hai dân tộc đều nghĩ rất tốt về nhau, từ đó chia sẻ với nhau tốt hơn.
Khái quát lại một số đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định: “Đến Việt Nam đầu tư, hợp tác thương mại với thì các bạn yên tâm. Như người Việt Nam hay nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Vấn đề là chúng ta tìm cách đến với nhau cần tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước”.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 1989, khi hai nước thiết lập quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 16 triệu USD nhưng đến 2022, con số này đã đạt 6,8 tỷ USD, tăng gấp hơn 400 lần.
Việt Nam chủ yếu nhập ngô, đậu tương và bông của Brazil, còn xuất sang đây các sản phẩm như da giày, may mặc, hàng tiêu dùng…
Theo Bộ trưởng Công thương, dư địa hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Brazil là rất lớn. Vì vậy nếu doanh nghiệp Brazil đầu tư vào Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà còn khai thác thị trường 600 triệu dân của ASEAN.
Ngược lại, nếu Brazil mở cửa, Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu vào thị trường hơn 200 triệu dân nơi đây và thị trường hơn 400 triệu dân của Nam Mỹ.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định thương mại Việt Nam - MERCOSUR, trong đó có Brazil.
“Việt Nam đã và đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam là 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nhắc đến sự kiện Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp Đối tác Chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Công thương cho hay, tới đây làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia của Mỹ và các nước phát triển vào Việt Nam sẽ rất lớn. Vì vậy nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng cao.
Từ đó, Bộ trưởng Công thương kêu gọi doanh nghiệp Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới, như công nghệ bán dẫn.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển
Gửi gắm đến Thủ tướng và đoàn Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Brazil bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như một số ngành mới nổi như năng lượng gió, công nghiệp tái tạo.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ ủng hộ các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cơ hội, tạo dư địa để hai bên hợp tác về năng lượng, chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Brazil cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc đưa vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu, mở cửa cho họ xuất khẩu một số sản phẩm sang Việt Nam như thịt gà, cánh gà bên cạnh sản phẩm truyền thống bông và ngô.
Đây là mặt hàng trước đây Brazil đã xuất khẩu sang Việt Nam nhưng do dịch cúm gà nên Việt Nam đã thay đổi chính sách. Vì vậy họ mong muốn Việt Nam mở cửa nhập khẩu lại mặt hàng này từ Brazil.
Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung cho 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ mới; phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Brazil góp ý cho Việt Nam trong quá trình này.
Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Brazil mở Văn phòng Phòng thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.
Với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao đạt được nhiều thành tích cao, Việt Nam mong muốn cùng Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. Từ đó, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.