Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có một nền di sản văn hóa phong phú, đặc sắc đồng thời sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì.
Ngày 27/7 Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các bộ, ngành, đại diện UNESCO tại Hà Nội, nhiều đại biểu quốc tế, đại biểu các địa phương sở hữu các di sản thế giới và đông đảo các nghệ nhân, các nhà khoa học.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, di sản văn hóa ở Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện - hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, bên cạnh những thành tựu nổi bật, vẫn còn những hạn chế, bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tham dự Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững. |
Tại Hội nghị, những vấn đề như cơ chế hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch; Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hóa- môi trường diễn xướng cho cồng chiêng Tây Nguyên; các bài học trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long… cũng được bàn thảo.
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. |
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức phát sinh trong giai đoạn đầu của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Mặc dù có chủ trương về bảo tồn vì phát triển và phát triển để bảo tồn, hầu hết tại di sản Thế giới ở Việt Nam đều chia sẻ tình hình du lịch còn nhiều bất cập và áp lực phát triển đáng kể lên bảo tồn di sản.
“Trong một số trường hợp, các mục tiêu du lịch đầy tham vọng vượt qua các giá trị phổ quát cần ưu tiên bảo vệ của Di sản, dẫn đến lo ngại, quan tâm của công chúng và quốc tế”, ông Michael Croft phát biểu.
Ông Michael Croft khuyến nghị nên: Đặt di sản thế giới vào trọng tâm của khuôn khổ kế hoạch phát triển bền vững; Nhất thể hóa và củng cố quyền lực quản lý nhà nước về di sản ở cả cấp trung ương và địa phương; Tăng cường vai trò của các Hội đồng khoa học và cơ quan cố vấn chuyên môn; Rà soát và quản lý cơ chế hợp tác công - tư tại các Khu di sản; Rà soát lại cơ chế tài chính đối với việc tái phân bổ nguồn thu từ phát triển du lịch và phát triển kinh tế đối với các hoạt động bảo tồn.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thành tựu nổi bật trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá còn vài vướng mắc, kiến nghị cần phải giải quyết: Cụ thể như, vẫn còn sự chồng chéo trong một số quy định của luật pháp về đầu tư công, xây dựng với di sản văn hoá; Tổ chức khai quật các con tàu cổ bị đắm ở vùng biển nước ta. Sau khi kết thúc khai quật, những hiện vật độc bản và một số sưu tập tiêu biểu được giao cho cơ quan chủ trì khai quật và bảo tàng tỉnh. Số còn lại giao cho UBND tỉnh nghiên cứu khả năng xây một bảo tàng chuyên đề về con tàu cổ đó để hút khách tham quan, du lịch; Bổ sung “Di sản tư liệu” vào Luật di sản văn hoá và giao cho Bộ VHTTDL thực hiện quản lý nhà nước di sản này.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì.
Thủ tướng yêu cầu, các các cấp chính quyền phải chú ý giữ gìn và phát huy giá trị di sản; toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ đối với ngành VHTTDL để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các ý kiến của Trưởng đại diện VP UNESCO Việt Nam, các tham luận của các lãnh đạo địa phương, ngành, các chuyên gia, bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước để triển khai tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng tại Hội nghị hôm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng công việc cụ thể, bảo đảm hiệu quả và bền vững.
Tình Lê