Bia Hà Nội doanh thu tăng
Bia Hà Nội thường xuất hiện trong các sự kiện lớn của các nhà lãnh đạo khi đến thăm thủ đô. Hình ảnh các vị lãnh đạo các nước ngồi thường thức ẩm thực và trên tay cốc bia được chia sẻ trên báo chí và truyền thông.
Nhờ đó mà thương hiệu hãng bia Hà Nội cũng nhanh chóng phủ sóng khắp nơi. Với các doanh nghiệp đây là cách quảng bá thương hiệu hiệu quả có khi hơn hẳn các chiến dịch truyền thông tốn kém hàng chục tỷ đồng.
Doanh thu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng tăng theo. Theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu trong quý đạt hơn 2.133 tỷ đồng, tăng so với quý I là 934 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn tăng 2% lên 1.547 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm xuống 531 tỷ. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 25,5%. Bù lại, doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 58 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng mạnh của lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá.
Sau khi trừ thêm các khoản chi phí khác, lãi sau thuế của Habeco đạt 188 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, kết quả này khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ 3,6 tỷ đồng của quý I.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 3.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tài chính, tính đến hết ngày 31/6, tổng tài sản của Habeco hơn 7.282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt 309 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng ở mọi kỳ hạn là 3.361 tỷ đồng. Khoản tiền tương đương 46% tổng tài sản gửi ngân hàng đã mang về cho Habeco 56 tỷ đồng trong quý II.
Bia Sài Gòn lợi nhuận tụt giảm
Một ông lớn ngành bia tại Việt Nam là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023.
Cụ thể, doanh thu thuần của Sabeco đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp công ty đạt 2.488 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong kỳ, kết quả doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng 40%, đạt 354 tỷ đồng chủ yếu đến từ tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng.
Sau khi trừ thêm các khoản chi phí khác, kết quả trong quý II, Sabeco báo lãi sau thuế 1.210 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Ngành bia còn khó khăn
Chi phí đầu vào tăng cao, sức cầu tiêu thụ yếu và cạnh tranh gay gắt khiến các doanh nghiệp bia gặp nhiều khó khăn. Theo Sabeco, kết quả kinh doanh quý II thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn, cộng thêm với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.
Trong văn bản giải trình quý I/2023, Habeco cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm về doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm.
Sức cầu yếu khiến các nhà sản xuất phải tăng cường các chính sách quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu,… để thu hút khách hàng. Trong khi đầu ra khó khăn thì ở phía đầu vào, giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới đã trở lại xu hướng tăng từ đầu năm 2023.
Theo Habeco, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia tiếp tục tăng trong năm 2023. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn là những tập đoàn đa quốc gia, nhận được hậu thuẫn to lớn về kinh nghiệm, tài chính, nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động phát triển thương hiệu, thị trường.
Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, Habeco hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022.
Kết thúc nửa đầu năm, Sabeco đã hoàn thành được 36% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Kết phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu BHN đạt thị giá 42.800 đồng/cp. Cổ phiếu SAB đạt giá trị 157.000 đồng/cp.
Sá Xị Con Cọp tiếp tục lỗ Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) đã công bố BCTC quý II/2023 ghi nhận lỗ quý thứ 8 liên tiếp. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn năm 2006. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của SCD đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo tài chính ghi rõ, chi phí tài chính tăng 10,8%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, nhưng chi phí bán hàng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ lên đến 23,4 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của SCD trong quý II lỗ gần 35,3 tỷ đồng, cao gấp 3 lần con số lỗ cùng kỳ năm năm trước. Theo văn bản giải trình của SCD, bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm cắt giảm và tối ưu hoá chi phí hoạt động, mức lỗ vẫn tăng cao. Hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao trong khi sức tiêu thụ trên thị trường thấp. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của SCD đạt 65 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 13,5 tỷ đồng. Với lợi nhuận âm trong quý II/2023, SCD đang phải chịu khoản lỗ lũy kế 8 tháng liên tiếp gần 120 tỷ đồng, cao hơn mức vốn điều lệ là 85 tỷ đồng. Tại thị trường trong nước, Nước giải khát Chương Dương từng là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với sản phẩm Sá xị Con cọp nổi tiếng. Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu SCD đạt thị giá 15.000 đồng/cp. |