Trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, chiều 11/5 (giờ Washington D.C), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và có bài phát biểu ấn tượng, đầy ý nghĩa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS).
Bày tỏ rất vui khi lần đầu tiên đến thăm CSIS, Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chân lý bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
“Đây cũng là tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia chúng ta mà còn của toàn nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam - Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ và đã "đơm hoa kết trái".
Theo Thủ tướng, Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.
Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã đến thăm Việt Nam vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
“Những nền tảng quan trọng trên đây đã tạo niềm tin và sự phấn khởi cho tôi trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia
Nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 3 nội dung. Đó là cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Đi vào từng nội dung cụ thể, Thủ tướng cho rằng, những tác động của đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Chúng ta cần nhận thức đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với hoà bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó, mặt thách thức khó khăn dường như đang nổi lên nhiều hơn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ một số điểm quan trọng, trong đó, ông khẳng định: Hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hoà bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới.
Lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc cần hài hoà và tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân.
“Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương”, Thủ tướng nhận định.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định, tất cả các quốc gia, dân tộc đều mong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của người dân. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.
Thủ tướng cũng cho rằng, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan nhưng phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay.
Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm.
“Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia”, Thủ tướng nói.
Đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
“Trước những biến động phức tạp, khó lường trên toàn cầu, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm, không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phân tích.
Theo Thủ tướng, ASEAN chính là một ví dụ minh chứng về giá trị của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong việc góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu.
Với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.
“Những người quan tâm đến Việt Nam có thể hỏi tôi, Việt Nam thể hiện trách nhiệm như thế nào trước các vấn đề khu vực, quốc tế?”, trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.
Thứ hai, Thủ tướng khẳng định: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Chính vì lẽ đó, trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông - một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.
Việt Nam cũng chủ trương bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, không dùng vũ lực
Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Công, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
“Trong vấn đề Ukraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500 nghìn USD cho Ukraine.
“Liên quan đến tình hình Ukraine, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng cũng cho hay, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm rất cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050…
Một vấn đề nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
“Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn bè. Không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Mỹ”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng dẫn lại mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu thành lập nước là thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Mỹ trong những bức thư gửi tới chính quyền Mỹ ngày 16/2/1946: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.
Thời gian tới, Thủ tướng kỳ vọng, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, để nhân dân hai nước được cảm thông, chia sẻ những mất mát, cùng hướng đến tương lai.
Hai bên cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và tiếp tục có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để hàn gắn vết thương cho cả hai dân tộc, vun đắp quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hơn nữa, cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, như hai bên đã khẳng định trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.
Tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai: "Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới - đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong đó, để đạt mục tiêu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đặc biệt chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để đầu tư phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững…
Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực chủ động, tích cực tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hiện nay.
“Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bền vững, ổn định trong một thế giới nhiều biến động”, Thủ tướng khẳng định.
Đây là những lĩnh vực Mỹ có thế mạnh hàng đầu thế giới. Mỹ cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường quy mô lớn, phong phú và đa dạng, tạo nền tảng tốt thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
“Sự kết hợp giữa thế mạnh của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới”, Thủ tướng kỳ vọng.
Trong đó, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Mỹ trong gần 30 năm qua.
“Tôi tin tưởng rằng, đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thu Hằng (Từ Washington D.C)
Những dấu ấn trong quan hệ ASEAN – Mỹ
Đại sứ Marc E. Knapper: Mỹ sẽ làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam
Đó là khẳng định của Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ tăng khoảng 250 lần
Sáng 8/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam- Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương".