Ngày 3/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có yêu cầu Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC) khẩn trương rà soát toàn bộ hoạt động của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu; báo cáo và đề xuất phương án xử lý đối với hãng phim này để trình UBND thành phố chậm nhất là ngày 15/4. Đây là phản hồi của chính quyền thành phố trước đề xuất của SCPC xin giải thể cuối năm 2022 vì lý do hãng phim thua lỗ kéo dài, nợ 7 tỷ đồng.

Trao đổi với VietNamNet, đạo diễn Nguyễn Quế Lâm - Phó giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu - cho biết hãng gặp nhiều vướng mắc khó tháo gỡ sau 46 năm hoạt động. 

Theo ông Lâm, đơn vị còn khoảng chưa đến 20 người, lực lượng quay phim không còn. Hơn 1 năm qua, đội ngũ nhân sự gần như thất nghiệp. Ngoài ra, hai mặt bằng của công ty (số 6 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 và số 207 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) cũng xuống cấp trầm trọng vì xây dựng từ trước năm 1975. Việc cơ sở vật chất thiếu hụt, không có phim trường khiến hãng bị động trong việc sản xuất các dự án. 

Tiền thân của hãng phim vốn trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Từ tháng 12/2005, đơn vị được chuyển về làm công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC). Sau khi tách khỏi Sở, hãng phim dần đi xuống vì nhiều lý do như: không có vốn; không cơ sở vật chất; không có người biết kinh doanh trong ngành điện ảnh.

Một trong 2 trụ sở của hãng phim phải cho thuê làm phòng trà và bán kem.

Năm 2013, lãnh đạo TP.HCM từng đề nghị SCPC tăng vốn cho hãng phim nhưng Tổng Công ty không thu xếp được nên hãng phim không có vốn để phát triển hoạt động như chỉ đạo.

Những năm qua, hãng chủ yếu làm chương trình Văn hóa TP.HCM (30 phút/tuần, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM) và chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật TPHCM (1 số/tháng, Ban Tuyên giáo TP.HCM đặt hàng). Cục Điện ảnh cũng đặt hàng chương trình băng hình miền núi, biên giới, hải đảo…

Hãng chỉ sản xuất phim tài liệu, nhưng không thể cạnh tranh nổi với đài truyền hình và bản thân cũng không có kênh sóng riêng, hệ thống phát hành lẫn nơi công chiếu. 

Vì không được đầu tư đúng mức, đơn vị khó tìm kiếm đối tác kinh doanh cũng như hợp tác thực hiện phim gia công, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. 

Về tình hình tài chính, từ năm 2011 đến nay, hiệu quả hoạt động của hãng phim này rất thấp. Theo báo cáo tài chính năm 2022 của hãng lập ngày 31/12/2022 cho biết, lỗ lũy kế là 7,038 tỷ đồng, vượt vốn đầu tư chủ sở hữu là 4,844 tỷ đồng. Nợ phải trả là 7,745 tỷ đồng, lớn hơn tổng tài sản là 5,561 tỷ đồng.

Đại diện hãng phim cho biết mong muốn có giải pháp cụ thể sau khi nộp đơn kiến nghị UBND thành phố. Ông Quế Lâm mong mỏi được cổ phần hóa hãng phim, kêu gọi rót vốn để đầu tư dài hạn. Song, điều này theo ông khó khả quan vì vướng mắc nhiều. Bởi lẽ, cổ đông cần phải là công ty am hiểu lĩnh vực phim ảnh, các hãng phim… Nếu cổ đông không có chuyên môn về nghệ thuật, hoặc không có mục đích sản xuất phim, đội ngũ hãng cũng tan rã.

Phó Giám đốc hãng phim cho rằng, con đường hợp lý là đưa đơn vị về lại Sở Văn hóa - Thể thao hoặc về Ban Tuyên giáo; qua đó giúp hãng tiếp tục tồn tại, phát triển, đóng góp cho ngành phim ảnh thành phố nói riêng và cả nước nói chung. 

“Ý kiến cá nhân tôi cho rằng Sở Văn hóa - Thể thao cần một Trung tâm Điện ảnh Nguyễn Đình Chiểu, tương tự như lĩnh vực thể thao. Nó là cơ quan đại diện Sở để triển khai các chủ trương phát triển điện ảnh, các hoạt động tuyên truyền, sự kiện… Mục tiêu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch muốn thành phố sớm trở thành một trung tâm điện ảnh lớn của cả nước nên tôi nghĩ điều này cũng hợp lý”, ông nói. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM - cho biết sau khi đại diện hãng phim Nguyễn Đình Chiểu nộp đơn xin giải thể, cơ quan quản lý đã tiếp nhận kiến nghị và sẽ giải quyết theo đúng yêu cầu. 

“Lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo tìm hiểu rà soát, sau đó sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Tất cả đều đi theo đúng quy trình nội bộ của sở, ban ngành có liên quan. Chúng tôi sẽ có những cuộc họp và sẽ thông báo đến mọi người khi có kết luận”, bà Thúy cho biết. 

Hãng phim từng có nhiều tác phẩm nổi bật, được đánh giá cao về mặt chất lượng. 

Công ty TNHH một thành viên phim Nguyễn Đình Chiểu là hãng phim nhà nước. Hãng sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Hãng nhận đặt hàng nhà nước sản xuất phim nhựa, băng video, phim tài liệu, tư liệu truyên truyền, phim khoa học.

Hãng phim từng có giai đoạn phát triển rực rỡ với những tên tuổi nổi bật như nhà quay phim Trương Đình Mưu, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Nguyễn Ngọc Hiến, NSƯT Nguyễn Quế, NSND Đoàn Quốc, NSƯT Lê Văn Duy, diễn viên - NSND Thế Anh, NSND Thụy Vân…

Nhiều tác phẩm phim truyện của hãng gây tiếng vang, như Làng ven, Biển sáng, Người học trò đất Gia Định xưa, Trái đắng, Tiếng gọi lúc mờ sáng. Năm 1988, phim Cơn lốc đen (Thụy Vân đạo diễn) giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1988. Sang thập niên 1990, đơn vị kết hợp với nhiều nhà làm phim tư nhân như Lý Huỳnh, Chánh Tín để sản xuất các tác phẩm dòng phim thị trường.

Trích phim "Người học trò đất Gia Định xưa"