Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Cụ thể như Quyết định số 863/QĐ-UBND Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2025, xác định mục tiêu triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP một cách toàn diện, thực chất, có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hoàn thiện Quy chế phối hợp số 56/2021/QĐ-UBND, gắn trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã được một số kết quả tích cực trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nổi bật là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Từ năm 2020 đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh trên nhiều lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (gồm 8 nghị quyết của HĐND tỉnh và 4 quyết định của UBND tỉnh). Sở Tư pháp cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 Quy định mức chi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện Nghị định 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rà soát, thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành vào Cơ dữ liệu quốc gia về pháp luật của năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 1997 đến nay đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ dữ liệu quốc gia về pháp luật gồm 1.284 văn bản, phục vụ cho việc tra cứu, áp dụng văn bản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân được thuận tiện, nhanh chóng.
Song song đó, Sở Tư pháp thực hiện soạn thảo, biên tập hơn 100 tình huống pháp lý/năm liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để tìm hiểu và vận dụng các tình huống pháp lý này vào thực tiễn hoạt động kinh doanh.
Sở còn tổ chức các hội nghị, hội thảo hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và kết quả khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và Tọa đàm tư vấn về pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngày 26/10/2023, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị với 4 chuyên đề: Quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi sử dụng mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Pháp luật thuế về thương mại điện tử; Các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp; Các chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và tư vấn nhiều vấn đề pháp lý do doanh nghiệp gửi đến. Thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp trên địa bàn (gồm 3 tổ chức hành nghề luật sư và 07 cá nhân luật sư) đã hỗ trợ khá tích cực cho doanh nhân, doanh nghiệp. Sở cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu các vấn đề pháp lý giúp UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.