Theo thống kê hiện nay, bình quân mỗi năm lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 228 nghìn tấn; riêng trong năm 2022 lượng rác đã phát sinh hơn 228 nghìn tấn; trong đó  ở Thành phố Huế khoảng hơn 124 nghìn tấn; Thị xã Hương Thủy hơn 18 nghìn tấn; Phú Vang hơn 18 nghìn tấn; Phú Lộc hơn 17 nghìn tấn… Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở địa phương theo hướng bền vững.

Sự gia tăng nhanh chóng của rác thải đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết nâng cao năng lực xử lý của các địa phương. Hiện nay, do số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nên công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom, vận chuyển rác thải thực tế ở địa phương.

anh 1s.jpg
Hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải rắn ở khu vực đô thị sẽ duy trì theo hai hình thức thu gom trực tiếp và qua điểm tập kết.

Để đảm bảo môi trường từ thành thị đến nông thôn, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030. Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được chia ra 2 giai đoạn, gồm giai đoạn đến 2025, với kinh phí thực hiện khoảng 706 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030, với tổng kinh phí khoảng 1.209 tỷ đồng.

Đề án đặt mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên - Huế và trên 90% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường. Các chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt của các hộ gia đình được phân loại riêng với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom riêng để vận chuyển và xử lý từ 70% lên 100%.

Thông qua đề án, Thừa Thiên Huế muốn phân loại chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt, trong đó chất thải rắn được thu gom, vận chuyển, xử lý riêng. Tỉnh sẽ trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả huyện thị trên địa bàn.

Theo đó, hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải rắn ở khu vực đô thị sẽ duy trì theo hai hình thức thu gom trực tiếp và qua điểm tập kết. Đối với hình thức thu gom trực tiếp, công nhân thu gom chất thải rắn đến từng tại hộ gia đình tiếp nhận và vận chuyển chất thải rắn về các điểm tập kết tạm thời. Hình thức qua điểm tập kết được công nhân cùng xe chuyên dụng đến các cơ quan, các điểm tập kết chất thải rắn, khu vực công cộng... đưa chất thải rắn về khu xử lý.

Ở khu vực nông thôn, các địa phương chủ động thành lập các đơn vị thu gom chất thải rắn bằng phương pháp thủ công, sau đó tập kết chất thải rắn đến những điểm trung chuyển để các đơn vị dịch vụ vận chuyển chất thải rắn về khu xử lý tập trung. 

Ở khu vực miền núi cách xa đường giao thông, quốc lộ, dân cư thưa thớt thì chủ động bố trí hợp lý điểm thu gom, tập kết hoặc tăng cường vận động người dân sử dụng chất thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ vi sinh, thành lập các tổ tự quản ở các thôn, xóm hướng dẫn người dân tự phân loại chất thải rắn tại nguồn, sử dụng chất thải rắn hữu cơ làm phân..

Đồng thời, tỉnh yêu cầu tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả các huyện đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn. 

Ngoài ra, cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm và giảm tải cho các khu xử lý chất thải rắn; hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn, xúc tiến đầu tư Nhà máy xử lý ở khu xử lý Hương Bình; hoàn thành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại khu xử lý Phú Sơn, Hương Bình để đưa vào hoạt động; cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy theo quy hoạch để phục vụ cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và vùng phụ cận; hoàn thành, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 3 huyện Nam Đông và A Lưới, Phong Điền.

Với thực hiện đổi mới thu gom, vận chuyển và nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang ngày càng gia tăng, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm thiểu các tác động của ô nhiễm môi trường, đảm bảo cảnh quan, môi trường sống, sức khỏe người dân cho hiện tại và tương lai.

Tiến Quang

Thiều Quang và nhóm PV, BTV