Theo tính toán của Tổng công ty May 10, trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVTFA), một chiếc áo sơ mi có giá 10 USD sẽ giảm được 1,2 USD tiền thuế, tức giảm 12% so với các nước ngoài EVTFA. Đây là cơ hội rất lớn trong cạnh tranh. Do đó, để có thể hưởng ưu đãi thuế, Việt Nam phải tìm cách đáp ứng được tiêu chí xuất xứ nguyên liệu, từ vải và trong CPTPP là từ sợi.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 70% nguyên phụ liệu bên ngoài. Năm 2019, Việt Nam đã chi 2,47 tỷ USD để nhập khẩu bông các loại, 2,3 tỷ USD nhập xơ, sợi, 12,69 tỷ USD để nhập vải, 5,61 tỷ USD nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN.
Một trong các lý do cho nút thắt này là sự liên kết trong nước chưa chặt, chất lượng sợi ở Việt Nam còn đáp ứng nhu cầu.
Nhà máy kéo sợi của Dệt lụa Nam Định |
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dệt may Tp HN, có những trường hợp doanh nghiệp nhập sợi bên ngoài rất nhiều mà trong nước, lại không thể kết nối được. Đơn cử như công ty Trung Dũng, một trong những đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu gần như đứng đầu miền Bắc nhưng hầu hết đến 90% các đơn hàng của họ đều từ nước ngoài.
Nguyên nhân thực tế là do trong nước, năng lực, chủng loại sản xuất sợi không đáp ứng được. VIệt Nam chỉ sản xuất được sợi polyeste trong khi doanh nghiệp cần sợi xơ bóng.
Bà Trần Thị Mỹ Hải, Giám đốc công ty Diện Hải Đăng cho hay, chất lượng sợi của Việt Nam chưa cao khiến cho việc dệt vải bị lỗi và ảnh hưởng chất lượng vải. Vốn là chuyên gia nghiên cứu về sợi, bà Mỹ Hải cho biết, các nguyên nhân về sợi khiến sản phẩm phôi bị loại ra rất nhiều. Bà đã từng chứng kiến, trong 100 phôi vải, chỉ chọn được 5-10 phôi, còn lại phải loại vì lỗi sợi.
“Sợi là khâu đầu tiên mà DN vừa và nhỏ cần được tăng năng lực lên. Nếu đẩy được vấn đề kiểm soát chất lượng sợi tốt lên thì sản lượng ra rất cao và hiệu quả của DN cực kì lớn.
“Nếu chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu thì sẽ chịu ảnh hưởng về thời gian, chi phí, nguồn gốc, xuất xứ dẫn đến chuyện chúng ta không được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại. Tổng công ty May 10 hiện cũng khoảng có 60 - 70% nguyên liệu phải nhập ngoài”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ.
Ông Việt cho rằng, cũng cần phải thay đổi tư duy về chuỗi cung ứng, liên kết. Khoảng 80% các nhà sản xuất ở VN bao gồm các DN VN, DN liên doanh lẫn DN FDI đều đã làm được chuỗi cung ứng dệt may, đáp ứng được khoảng 40 – 50% nguyên/nhiên vật liệu đầu vào của sản phẩm đầu vào. tại
May 10 chỉ tập trung sản xuất tới 2 dòng sản phẩm chính là veston và sơ mi nhưng phải làm việc với khoảng trên 600 nhà cung cấp trên toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của mình, từ Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật và chủ yếu là Trung Quốc.
Với các sản phẩm hoàn chỉnh này, ông Việt khẳng định, các DN hiện nay về dệt, kể cả về sợi cũng chưa đáp ứng được chuỗi hoàn chỉnh trong 100% sản lượng sơ mi và veston của May 10 xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. “Chính vì vậy, chúng tôi vẫn bị phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ TQ. Đây có lẽ là 1 nút thắt tương đối lớn, ông Việt nói.
Chất lượng sợi quyết định lớn tới chất lượng vải |
Theo vị TGĐ May 10, Việt Nam cần có lộ trình cho sự phát triển và đầu tư chuỗi cung ứng dệt may. Hiện nay, đầu tư vào may ”dễ thở” hơn so với đầu tư vào dệt và sợi. Đầu tư vào dệt và sợi đòi hỏi phải có quy mô vốn lớn, có thị trường đủ lớn và cần phải có quy hoạch lớn.
Một DN sản xuất vải có thể chỉ làm được vài loại sản phẩm vải, 1 DN dệt có thể chỉ làm được một vài loại sản phẩm dệt thật tốt, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế thôi. Còn để đa dạng tất cả các chủng loại vải, các nhà sản xuất may mặc hoàn thiện luôn cần rất nhiều nhà cung cấp.
Ông Việt cho rằng, chúng ta có lộ trình 10 năm trong các FTA. Vì thế, ở nút thắt này, các DN cũng phải nhận thức lại về việc liên kết các chuỗi cung ứng hiện có, làm thế nào khai thác liên kết lớn nhất từ các chuỗi cung ứng sợi, dệt, nhuộm với nhau, những cái hiện có đã.
“Thứ hai, có thể là liên kết rộng hơn, ngoài việc liên kết về sử dụng sản phẩm của nhau trong chuỗi hiện nay thì tại sao không liên kết về góc độ mở rộng thị trường? Ví dụ, DN sợi, DN dệt, DN may hiện đang mạnh về sơ mi chẳng hạn thì tại sao không cùng nhau liên kết làm công tác thị trường tốt để chúng ta mở rộng năng lực sản xuất với những sản phẩm mới của sản phẩm sơ mi để ta có thể tìm kiếm khách hàng? DN chỉ đầu tư khi ta có 1 thị trường ổn định, lâu dài, cũng như thị trường đủ lớn để ta có thể đầu tư. Chính vì vậy, ngoài câu chuyện liên kết chuỗi hiện tại về sản phẩm của nhau thì tôi muốn nhắc lại về mặt liên kết, mở rộng thêm thị trường, mở rộng thêm khách hàng để cùng nhau tạo 1 chuỗi hoàn chỉnh hơn, đầu tư mới ngoài sản phẩm hiện có”, ông Việt đề nghị.
“Chúng ta phải có quy hoạch rất rõ về ngành, sau đó mỗi 1 DN kể cả sợi, dệt, nhuộm hay may. Chúng ta cũng phải phối kết hợp với nhau và đầu tư thành 1 quy trình cùng nhau, hoặc đề nghị các DN công nghiệp hỗ trợ cũng phải có tầm nhìn để hỗ trợ, đầu tư với nhau. Chứ còn không có DN nào lớn ngay cả, đều từ nhỏ mà lớn dần.”, ông nói. Trong những chiến lược đầu tư của May 10 trong thời gian dài từ 5 – 10 năm sắp tới sẽ đặt mục tiêu tự chủ chuỗi cung ứng của mình.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, với CPTPP, EVFTA và gần đây là hiệp định RCEP, ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất và được đánh giá là có cơ hội để phát triển tốt nếu tận dụng được các ưu đãi từ các Hiệp định tự do thế hệ mới đem lại.
Tuy nhiên hiện nay, chúng ta thấy một số những hạn chế của ngành dệt may. Trong chuỗi cung ứng thì nguyên liệu là một điểm nghẽn.
Đến năm 2019, theo thống kê chúng ta vẫn còn nhập khẩu lớn vải và nguyên phụ liệu dệt may da giày. Có thể nói, ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho sản xuất dệt may da giầy trong nước còn hạn chế và chưa đáp ứng được đủ cho nhu cầu sản xuất trong nước, cũng như là phục vụ xuất khẩu. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và tăng trưởng kinh tế ngắn hạn mà còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập sâu rộng dài hạn. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu trong nước, đáp ứng được các quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển dài hạn phát triển bền vững của nghành công nghiệp dệt may, ngành da giày trong thời gian tới.
Ông Hoàn kỳ vọng, Nghị quyết 115 về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn này cho ngành dệt may Việt Nam.
Băng Dương