Xuất phát từ ý nghĩa của công tác biên giới, lãnh thổ và yêu cầu thực tế khách quan của việc quản lý và hợp tác vì biên giới, biển, đảo, hòa bình và phát triển, các chuyên gia quốc tế đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về các vấn đề như việc hiểu đúng kiến thức liên quan đến việc phân định biên giới biển và thềm lục địa mở rộng; Xác định các yêu sách biển chồng lấn và các quyền, nghĩa vụ liên quan. 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh việc phân định rõ ràng biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam cam kết tôn trọng và áp dụng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết các vấn đề trên biển, nhằm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì một trật tự pháp lý quốc tế trên biển và đại dương dựa trên UNCLOS.

Hoithao.jpg
Quang cảnh hội thảo

Biên giới cả trên đất liền và trên biển xác định không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia, đồng thời thể hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Do đó, việc phân định rõ ràng biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia liên quan.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên và đặt ra nhiều đe dọa đến trật tự quốc tế và lợi ích chung của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Vì vậy “Chúng ta không chỉ phải đối mặt với những tranh chấp cả về chủ quyền lãnh thổ và biển cùng những diễn biến phức tạp, đáng quan ngại từ các tranh chấp này, mà còn phải đối mặt với nhiều vẫn đề thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên và tội phạm xuyên quốc gia”, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nói.

Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia mà còn tác động đến an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ, là quốc gia với trên 5.000 km biên giới đất liền và 3.260 km đường bờ biển, Việt Nam thấy rất rõ ý nghĩa, sự cần thiết và nhu cầu hợp tác quốc tế về biển và biên giới lãnh thổ. Những bước tiến quan trọng trong công tác giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.

Trên đất liền, Việt Nam đã hoàn tất việc hoạch định và phân giới cắm mốc với Trung Quốc và Lào; đã hoạch định xong toàn bộ đường biên giới trên đất liền với Campuchia, đồng thời đã phân giới, cắm mốc được 84% đường biên giới đất liền.

Trên biển, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định phân định với các quốc gia láng giềng, như: giải quyết vấn đề phân định biển tại Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa năm 2003 và vùng đặc quyền kinh tế năm 2022 với Indonesia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành hợp tác về biên giới với nhiều nước trong và ngoài khu vực nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và giải quyết các thách thức an ninh biển phi truyền thông ở Biển Đông.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định, đó là kết quả của tinh thần hợp tác chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, thiện chí dựa trên luật pháp quốc tế. Kết quả trên cũng là tiền đề cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị, duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và hợp tác phát triển bền vững với các nước láng giềng. Đối với các vấn đề còn tồn đọng về biên giới, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực cùng các nước liên quan giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong phát biểu của mình, Ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam thông tin Hội thảo hôm nay là một phần của dự án hợp tác về thể chế, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực giữa các đối tác trong lĩnh vực phân định và quản lý biên giới. Ông cũng khẳng định đối tượng trung tâm của dự án này là Biển Đông, một ngã tư chiến lược của Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng về mặt địa chiến lược và mang ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực.