Đây là khẳng định của ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khi nói về định hướng phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi trong thời gian tới đây.

W-dau-tu-quang-ngai-1.jpg
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triên kinh tế - xã hội ở các vùng ven biển, hải đảo tại Quảng Ngãi được đầu tư mạnh mẽ.

Báo cáo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho biết, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 (Nghị quyết số 36) của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đến nay, sau 5 năm (2018-2023), kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đầu tiên phải kể đến sự đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triên kinh tế - xã hội ở các vùng ven biển, hải đảo tại Quảng Ngãi. Theo đó, những công trình lớn được đầu tư như: Cầu Cổ Lũy, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường Trì Bình - cảng Dung Quất; Công viên Quảng trường biển kết hợp khu đô thị - dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi, cảng Bến Đình (Lý Sơn) và nhiều kè chống sạt lở ven biển...

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, từng bước hình thành các khu đô thị sinh thái ven biển gắn với bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất.

Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi hiện đã có bước phát triển vượt bậc, là trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Hiện nay, khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch có diện tích hơn 45.000 ha, là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng.

Một trong những tiềm năng để Quảng Ngãi thúc đẩy phát triển kinh tế kinh tế biển đó là có hệ thống cảng biển với 9 bến cảng, trong đó cảng biển nước sâu Dung Quất có lợi thế và tiềm năng nhất.   

Những năm qua, ngành du lịch, nhất là du lịch biển đảo của tỉnh cũng có những biến chuyển tích cực. Trong đó phải kể đến huyện đảo Lý Sơn, phát huy tiềm năng, lợi thế đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển - đảo của tỉnh và của quốc gia.

Kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 36, đóng góp rất lớn cho việc phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.

Tỷ trọng GRDP của các ngành kinh tế biển đã đóng góp rất lớn vào tổng tỷ trọng GRDP của tỉnh. Năm 2022, tỷ trọng GRDP của cả tỉnh đạt 57.412 tỷ đồng, tăng 7,69% so với năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng GRDP qua các năm cũng tăng lên: năm 2021 tăng 6,25%; năm 2022 tăng 7,69% và 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của cả tỉnh tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 57,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,83% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 3.836 USD/người, tăng 1.316 USD/người so với năm 2018. Kết quả trên đều có sự đóng góp rất lớn từ kinh tế biển.

tau ca quang ngai.png
Với hệ thống cảng biển lớn sẽ là một trong những lợi thế để Quảng Ngãi thúc đẩy phát triển kinh tế kinh tế biển. 

Một yếu tố nữa đó là môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất đạt kết quả khá, với một số ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Các cơ chế, chính sách thông thoáng cũng đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư. Các ngành kinh tế biển có bước tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển được quan tâm đầu tư. Đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới biển được tăng cường, giữ vững.

Sự chuyển biến tích cực từ việc phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi trong thời gian qua cho thấy, kinh tế biển chính là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Chia sẻ với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng: “Với lợi thế sở hữu 130km bờ biển và cảng biển nước sâu Dung Quất, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển công nghiệp nặng, du lịch biển đảo và nuôi trồng chế biến thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua chúng tôi vẫn chưa khai thác được nhiều lợi thế của tỉnh giáp biển.

Thực tế sau khi triển khai Nghị quyết 36, chúng tôi đã tổ chức đánh giá toàn diện những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chúng tôi cũng nhận thấy còn có những yếu kém trong việc phát triển kinh tế biển”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho hay, trước đây kinh tế biển được phát triển theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch bài bản, chưa đồng bộ và chưa xứng với tiềm năng… Vì thế trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo, Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, tập trung mọi nguồn lực đầu tư mạnh để thúc đẩy kinh tế biển của tỉnh phát triển bền vững, có chiều sâu.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV