Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, trên thế giới, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (Reduce, Reuse, Recycle - 3R) được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm được các nguy cơ về môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Từ đó cho thấy 3R góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn - một xu hướng tất yếu đòi hỏi cấp thiết trong quá trình phát triển của thế giới hiện nay. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng đến hoạt động quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín nhằm hạn chế tối đa lượng phế thải, các chất thải được tái chế, trở thành nguyên liệu mới cho sản xuất, từ đó làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, tận dụng triệt để tài nguyên.

4 kinh te tuan hoan tu chat thai ran.jpg
Giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết, một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thể kể đế như: Khuyến khích tái chế và tái sử dụng: Xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại, và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế… Hai là, phát triển công nghiệp chế biến chất thải đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt bằng việc khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch; Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: Tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.

Tăng cường hợp tác công- tư cũng là giải pháp quan trọng. Thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để đầu tư và triển khai các dự án xử lý chất thải và tái chế. Hợp tác này có thể bao gồm việc chia sẻ tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm để tạo ra sự phát triển bền vững và hiệu quả.

Khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, và các dịch vụ quản lý chất thải. Việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tài nguyên giúp tăng cường khả năng xử lý chất thải và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh quốc tế.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV