Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các xã thực hiện xây dựng NTM năm 2022, năm 2023 và cả những năm tiếp theo đều ở xuất phát điểm thấp, trong khi chuẩn các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 có sự điều chỉnh cao. 

Yêu cầu khắt khe của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra trách nhiệm lớn đối với  Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào DTTS.

Để nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM, theo Kế hoạch số 155/KH - UBND tỉnh sẽ khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; tập trung phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ gắn với hoạt động du lịch, xây dựng danh mục dự án đầu tư, thương mại, du lịch và thu hút đầu tư triển khai thực hiện dự án tại các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, chương trình được triển khai trên địa bàn 5 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên.

W-tuyenquang.png
Một góc huyện Hàm Yên nhìn từ trên cao

Để thực hiện phát triển các loại hình thương mại khu vực dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa,  tỉnh Tuyên Quang tập trung vào một số giải pháp như xây dựng và triển khai cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp quy mô thị trường của từng địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện công nghệ, đăng ký bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

Đặc biệt hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu... để quảng bá giới thiệu các sản phẩm hàng hóa và tìm kiếm đối tác, hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Tới đây, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ gắn với hoạt động du lịch, xây dựng danh mục dự án đầu tư, thương mại, du lịch và thu hút đầu tư triển khai thực hiện dự án tại các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở 5 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên đạt tăng trưởng bình quân 4,55%/năm; có trên 70% sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; đồng thời, phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng được đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.