Ngày 24/3/2024, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 31 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là sự kiện quan trọng, là kỳ họp đầu tiên trong năm 2024 với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng Văn hoá-Xã hội 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

Năm 2024 được đánh giá là thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng với việc ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Hội nghị hoan nghênh và mong đợi việc hiện thực hóa các ưu tiên của Trụ cột Văn hóa-Xã hội trong năm 2024 gồm có: Văn hóa và Nghệ thuật: Thúc đẩy vai trò của Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN vì sự sự hòa nhập và bền vững; Thúc đẩy hợp tác môi trường: Thích ứng với biến đổi khí hậu; Phụ nữ và Trẻ em: Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em nhằm chuyển đổi hành động trong khu vực ASEAN, và Y tế: Khả năng phục hồi phát triển y tế ASEAN trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh có nhiều xu hướng và cơ hội văn hóa - xã hội mới nổi, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế, các nước đều coi các mục tiêu về văn hóa - xã hội, an sinh xã hội là nhân tố quan trọng cho việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Mặc dù có sự khác biệt, nhưng người dân ASEAN luôn chung sống hòa bình, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và thường xuyên giao lưu thông qua cơ chế hợp tác ASEAN hiệu quả.

Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phong tục đã tạo nên bản sắc ASEAN, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng đã được mỗi quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam thúc đẩy bằng nhiều hoạt động cụ thể:

Việt Nam: Bảo tồn và thúc đẩy những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc

Lễ hội truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng của các thế hệ người Việt. Nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã của người Việt tích tụ từ hàng nghìn năm đã sản sinh, nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển một hệ thống di sản phong phú, đồ sộ của lễ hội, trải đều khắp đất nước. Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có gần 9.000 lễ hội truyền thống, là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục. 

Các lễ hội đã thể hiện khả năng sáng tạo và hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần, vật chất của nhân dân, đồng thời cũng là hình thức chuyển giao cho các thế hệ sau gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống quý báu của cha ông.

Đại hội lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đã chỉ rõ: Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta xác định, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Hệ thống các lễ hội truyền thống của dân tộc là di sản văn hóa quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy.

Việt Nam: Chi 44 tỷ đồng 'giải cứu' loạt tháp Chăm 1.000 năm tuổi xuống cấp

Quảng Nam nổi tiếng là vùng đất sở hữu nhiều tháp cổ nghìn năm tuổi, với nghệ thuật điêu khắc và tạo hình độc đáo trên đá sa thạch. Ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn, dấu ấn của nền văn hóa Chămpa còn lưu lại tại địa phương này khá nhiều như tháp Sáng (Phật viện Ðồng Dương), nhóm tháp Chiên Ðàn, tháp Bằng An, nhóm tháp Khương Mỹ,…

Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều tháp Chăm đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Trước thực tế đó, Quảng Nam đã đầu tư khoảng 44 tỷ đồng để “giải cứu” loạt di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao du lịch Quảng Nam, việc trùng tu các tháp Chăm nhằm phục hồi, ổn định lâu dài các cấu trúc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tạo điểm đến tham quan, nghiên cứu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các dự án đã trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi có ý kiến của Bộ, việc trùng tu sẽ được thực hiện và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Việt Nam: Liên hoan nghệ thuật hát then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024

Hát Then, đàn Tính là loại hình dân ca đặc sắc của người Tày- một cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở phía Bắc Việt Nam. 

Hát Then và đàn Tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người Tày cổ. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Đồng bào Tày quan niệm, những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời.

Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ứng tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến.

Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn Tính, nghe lời hát Then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình.

Với ý nghĩa đó, vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024.