- Kiểm tra hơn 20.000 điểm kinh doanh thực phẩm đường phố ở Sài Gòn, cơ quan chức năng phát hiện có gần một nửa không đảm bảo chất lượng.
Sáng nay, kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được rất nhiều người dân gửi gắm qua đại biểu mong TP sớm có giải pháp giải quyết cụ thể.
Thực phẩm đường phố không đảm bảo chất lượng. |
Từ trang trại nuôi tới khu giết mổ, người ta có thể đưa đủ các loại hóa chất, phụ gia không nhãn mác, liều lượng lớn vào thực phẩm.
Đại biểu này đề nghị phải có những “vị thuốc đặc trị” và cần sự phối hợp đồng bộ từ các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp, Công an...chống thực phẩm bẩn để cải thiện tình hình.
Nữ đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng TP cần đánh giá lại hiệu quả của Ban chỉ đạo liên ngành về kiểm soát thực phẩm đã làm được. Tránh tình trạng chỉ khi dư luận có phản ánh thì các ban ngành mới đi kiểm tra.
Phản hồi về vấn đề này, GĐ sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, thời gian qua ban chỉ đạo liên ngành đã triển khai đề án chợ thí điểm ATVSTP tại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, xây dựng đề án chuỗi sản phẩm an toàn triển khai tới nhiều điểm kinh doanh ở siêu thị, cửa hàng trên TP.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, GĐ sở Y tế TP.HCM. |
Theo ông Bỉnh, có tới 70 – 80% thực phẩm của TP tới từ các địa phương lân cận nên đã phối hợp với các tỉnh này để kiểm soát nguồn gốc, quá tình vận chuyển thực phẩm.
Ban chỉ đạo cũng đã thành lập hơn 700 đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện, xử phạt 8.800 đơn vị vi phạm.
Người đứng đầu ngành y tế TP cũng lo ngại về thức ăn đường phố khi có hơn 20.800 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ hơn 50% đạt chất lượng.
“Dù các ban ngành đã tiến hành nhiều biện pháp, đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác đảm bảo VSATTP chưa đáp ứng được mong đợi của người dân TP” – ông Bỉnh thừa nhận.
Về việc kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, TP đang triển khai đề án ứng dụng CNTT vào xác minh nguồn thịt lợn sạch.
Tháng 11, tháng 12 sẽ triển khai thí điểm tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, tại 5 chợ bán lẻ và một số siêu thị trên địa bàn. Đầu năm 2017, sẽ triển khai trên toàn TP.
“Lợn ngay khi xuất trại được nhận diện bằng vòng nhận diện và được mã hóa rồi đưa vào dữ liệu hệ thống thông tin. Khi tới các siêu thị, chợ thì các tiểu thương phải dán một cái tem nhận diện trên miếng thịt mình kinh doanh" - ông Hòa nói và cho hay, người dân có thể dùng điện thoại kiểm tra nguồn gốc thịt lợn.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP nói rằng việc để xảy ra ngộ độc thực phẩm rồi mới truy xuất nguồn gốc, xử phạt là giải pháp cuối cùng. Cái quan trọng là phải kiểm soát ngay từ đầu, đảm bảo cho người dân có bữa ăn sạch.
Văn Đức