TPCN không có chức năng chữa ung thư. Nếu người bệnh dùng cùng với thuốc kháng sinh có thể quá liều, không tốt cho sức khỏe.

Nhan nhản quảng cáo lừa dân

Theo khảo sát, thực phẩm chức năng (TPCN) có tác dụng điều trị ung thư hiện đang được quảng cáo nhan nhản tại các hiệu thuốc và trên mạng Internet. Đáng chú ý, loại nào cũng được người bán giới thiệu là có hiệu quả cực tốt với các bệnh nhân mắc các bệnh quái ác này.

Sáng 8/5, trong vai người nhà có bệnh nhân bị ung thư, khi liên hệ với một điểm bán hàng online có số điện thoại 0168.986.XXX phóng viên đã được tư vấn hết sức nhiệt tình.

“Vidatox hiện nay là thuốc tốt nhất và được nhiều người dùng. Công dụng điều trị là hỗ trợ giảm đau và giúp người bệnh ăn uống tốt hơn. Thuốc cũng làm cho khối u đỡ phát triển”, người bán hàng tư vấn.

Sau một hồi trò chuyện, người thanh niên ra giá 1.500.000 đồng/lọ Vidatox kèm theo lời nhắn: “Đây là giá buôn, không có chỗ nào rẻ hơn”.

{keywords}

Quảng cáo TPCN

Trong khi đó, nữ nhân viên một cửa hàng trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, HN) khẳng định với phóng viên Fucoidan, nhập khẩu từ Nhật Bản có công dụng cực kỳ tốt và được nhiều người bệnh lựa chọn.

“Bên em hiện đang bán 2 sản phẩm. Một là Fucoidan của Nhật và một sản phẩm khác của Việt Nam. Fucoidan hiệu quả hơn Agel Umi của Mỹ. Agel thì đa năng chứ không chuyên về ung thư. Giai đoạn đầu của ung thư sử dụng TPCN có thể chữa được, nếu giai đoạn sau có thể hơi khó”, nữ nhân viên giới thiệu.

Theo lời cô gái, nếu mua lẻ, cửa hàng sẽ bán Fucoidan với giá 2.250.000 đồng. Trường hợp mua số lượng lớn, phóng viên sẽ được giảm 5-7%, với giá 2.100.000 đồng.

Liên hệ thêm với một người đàn ông tự xưng là lương y tại Cà Mau, phóng viên nhận được lời đề nghị đến TP.HCM để làm hợp đồng mua các sản phẩm TPCN.

“TPCN không phải là thuốc nhưng chữa bệnh được, từ cảm cúm, nhức mỏi đến hình thành khối u. Sản phẩm này thay cơm, thay cá, thức ăn hàng ngày, đặc biệt nó có hơn 100 hợp chất dinh dưỡng.

Nếu uống TPCN, sẽ có tác dụng đào thải chất độc và phục hồi từng tế bào lại. Những sản phẩm này chống viêm loét, viêm nhiễm, giúp bệnh nhân tăng sức đề kháng và khỏe hơn, kéo dài thời gian sống”, vị này nói.

Cũng theo vị này, một liệu trình điều trị sẽ kéo dài từ 3-6 tháng. Giai đoạn đầu dùng TPCN sẽ hết khoảng 7,5 triệu đồng. Nếu bệnh nhân nặng có thể cho tăng liều lượng và cân đối thời gian hợp lý.

“Người ta cứ nói TPCN lừa đảo nhưng tôi khẳng định, uống TPCN nhiều là tốt. Cùng với uống TPCN cần phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý”, người đàn ông khẳng định.

Không có chức năng chữa ung thư

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, khẳng định theo Luật ATTP, TPCN dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

TPCN được chia làm 3 loại chính. Một là thực phẩm bổ sung. Thứ hai là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thứ ba là thực phẩm dinh dưỡng y học.

Như vậy, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị. Để chữa bệnh thì người bệnh phải đi khám, uống thuốc và thực hiện các phác đồ điều trị phù hợp của bác sỹ.

“Việc doanh nghiệp quảng cáo TPCN dưới danh nghĩa thuốc hỗ trợ điều trị ung thư để bán hàng với giá trên trời là lừa đảo người tiêu dùng”, TS Quang khẳng định.

Theo TS Quang, hiện nay Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, trong đó đề cập đến sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng TPCN.

“Tôi cho rằng chỉ cần các doanh nghiệp thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm và Thông tư trên thì đã làm tốt lắm rồi. Theo quy định, ai quảng cáo sai, ai cung cấp thông tin về TPCN sai thì phải xử lý ngay. Ở đây trách nhiệm thuộc về công ty buôn bán, kinh doanh cũng như những người làm dịch vụ quảng cáo”, ông Quang nói.

Một vấn đề khác được TS Quang nhắc đến, đó là tình trạng bán hàng đa cấp đối với TPCN. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ chỉ bán hàng đa cấp đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không bán hàng đa cấp đối với thuốc chữa bệnh.

Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương khiến cho người dân hiểu thực phẩm này như một loại thần dược có giá trị chữa bệnh cao hơn cả thuốc và qua đó đẩy giá bán lên cao. Việc bán hàng đa cấp TPCN biến tướng này là vô nhân dạo.

“Ngoài vấn đề bán hàng đa cấp với TPCN, vấn đề kê đơn cũng rất đáng chú ý. Hiệp hội thực phẩm chức năng có đề nghị Bộ Y tế ban hành quy định cho phép bác sĩ kê đơn TPCN. Bác sĩ kê đơn thuốc để chữa bệnh chứ làm gì có chuyện bác sĩ kê đơn TPCN để chữa bệnh?. Trên thế giới không quốc gia nào cho phép cả”, TS Quang nhấn mạnh.

Theo TS Quang, trong TPCN có một số hoạt chất tương tự như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, về hàm lượng thì thấp hơn thuốc. Do đó nếu người bệnh dùng cả thuốc lẫn TPCN có cùng hoạt chất đó trong một ngày sẽ quá liều và không tốt hoặc thậm chí có hại cho sức khỏe.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Quang cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đưa thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Bộ Y tế cũng đang thực hiện lộ trình áp dụng quy định tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với các cơ sở sản xuất TPCN trong nước, bắt buộc các cơ sở sản xuất phải có nhà máy đạt GMP mới được chứng nhận và công bố sản phẩm TPCN. Qua đó hạn chế được các TPCN không bảo đảm chất lượng, không an toàn, không hiệu quả cho người sử dụng”, TS Quang nói.

(Theo báo Đất Việt)