Cùng với quá trình cải cách, đổi mới và phát triển trong gần 4 thập niên qua, Việt Nam cũng đã tích cực, kiên định và chủ động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ chỗ ban đầu tham gia AFTA (1995), được coi là sân tập thể dục khu vực ASEAN, Việt Nam đã lần lượt tham gia 15 hiệp định thương mại tự do song phương, nhất là đa phương và gần đây đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều tiêu chuẩn rất cao, ngặt nghèo và nhạy cảm đối với nước ta một nước đang chuyển đổi, đang phát triển và đang kiện định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong một thế giới nhiều biến động và phân cực mạnh mẽ như hiện nay.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại với các chuẩn mực mới là phải mở cửa thị trường rất nhanh, đáp ứng các tiêu chuẩn phi thương mại ngặt nghèo liên quan tới các vấn đề vệ sinh dịch tễ, môi trường sống, nhất là vấn đề khá nhạy cảm như lao động, công đoàn tự do, tạo ra nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức đối với phát triển kinh tế của Việt Nam.

Với những điều kiện bất thường trong nhiều năm thực hiện FTA thế hệ mới, việc đánh giá những kết quả đạt đươc, nhất là nhận dạng những vấn đề vướng mắc và nguyên nhân khi thực hiện FTA cũng như thách thức, cơ hội trong thời gian tới là rất cần thiết để giup chính phủ, doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA này mang lại và vượt qua những thách thức trong một thế giới bất định, đầy cú sốc như gần đây.

TS. Lê Xuân Sang bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung vào thảo luận các vấn đề sau: (i) Kết quả, tác động của FTA thế hệ mới với thương mại Việt Nam từ khi có hiệu lực đến nay; (ii) Việc triển khai thực hiện, nhất là vấn đề pháp lý, tổ chức thực hiện, đâu là thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân; (iii) Doanh nghiệp Việt đã tận dụng các FTA như thế nào, đâu là khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, thị trường và sự hỗ trợ của Chính phủ; (iv) Cơ hội, thách thức trong thời gian tới và đâu là giải pháp hữu hiệu?...

Khi đánh giá về vận tải hàng không trong điều kiện thực thi các Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, TS. Trần Thế Tuân, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, mang tính thời đại và chi phối mọi quốc gia. Việt nam cũng không năm ngoài xu hướng đó và đã từng bước hội nhập quốc tế. Sau hơn ba mươi năm thực hiện chủ trương chỉ hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển thành “tích cực, chủ động và thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới”.

Tính đến nay, Việt nam là một trong những quốc gia có số FTA đứng đầu thế giới. Từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, từ khu vực ra thế giới, từ kinh tế sang các lĩnh vực khác là con đường hội nhập đúng đắn và đảm bảo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Các FTA giúp Việt Nam nâng cao nội lực, củng cố vị thế thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hơn thế nữa, Hiệp định Thương mại tự do này thúc đẩy nhiều hơn xuất khẩu của Việt Nam vào Anh và EU – một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, người tiêu dùng trong nước cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với hàng hóa châu Âu có giá và chất lượng tốt.

Trên cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, TS. Trần Thế Tuân gợi ý một số kiến nghị giải pháp cho doanh nghiệp và các ngành hàng không. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận với nguồn thông tin hữu ích từ công tác tuyên truyền, phổ biến ở các bộ, ban,  ngành. Cần phải hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung. Thứ hai, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, mỗi doanh nghiệp cần phải đưa ra cho doanh nghiệp mình những giải pháp cụ thể và thiết thực, hợp lý với hoàn cảnh của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút ghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định...

Bảo Phùng, Khánh Hòa, Lê Thúy