Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc tốt đẹp hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm. Đây là sự kiện mà nhiều người không thể hình dung nổi xét bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây.

Nobel Hòa bình?

Theo đánh giá của CNN và Business Insider, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có công quan trọng đối với sự khởi đầu lịch sử ngày 27/4 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Đăng trên Twitter ngày 27/4, Tổng thống Mỹ nói: “CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN SẼ KẾT THÚC. Mỹ và mọi người dân VĨ ĐẠI nên tự hào về những gì đang diễn ra ở Triều Tiên”.

Ông Trump đã nhân cơ hội này để chỉ trích những người tiền nhiệm vì không giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

 {keywords} 


Tổng thống Trump từng kể rằng ông Moon Jae-in đã nói với mình là nếu không có quan điểm cứng rắn của ông thì Olympics Mùa đông ở Hàn Quốc năm nay sẽ là một thất bại hoàn toàn. Hồi tháng ba, ông Trump nói: “Hơi khó để bán vé khi bạn nghĩ mình sắp bị tấn công hạt nhân”.

Ngay trước khi ông Kim Jong-un và Moon Jae-in gặp nhau tại làng đình chiến, Nhà Trắng ngày 26/4 đã công bố các bức ảnh chụp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo, người vừa trở thành Ngoại trưởng Mỹ, trong lần bí mật tới gặp ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 4.

Theo CNN, dụng ý của Mỹ rõ ràng là nhấn mạnh vai trò quan trọng của mình trong thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.

Cho dù kỷ nguyên mới về một nền hòa bình phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên còn ở thì tương lai, nhưng những gì mà Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện tại làng đình chiến Panmunjom có lẽ là thắng lợi mang tính di sản không chỉ với hai nhà lãnh đạo liên Triều, mà còn của Tổng thống Trump, có thể giúp ông đạt được một trong những thành tựu hàng đầu so với các tổng thống Mỹ từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo CNN, nếu ông Trump có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc giải giáp chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, chứng kiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên chính thức chấm dứt, khép lại mặt trận cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh, ông sẽ giành được một chiến công mà mọi người tiền nhiệm gần đây đều thất bại.

CNN cho rằng Tổng thống Trump và những nhân vật chủ chốt trong quá trình làm tan băng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ còn được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha phát biểu với phóng viên CNN ở Seoul: “Rõ ràng, Tổng thống Trump có công trong tiến trình này. Ông ấy đã quyết tâm đối mặt trực diện với điều này từ ngày đầu tiên”.

Phát biểu tại Brussels, ông Pompeo nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không đạt được điều chúng ta giành được ngày hôm nay nếu không có chiến dịch gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump”.

Vài giờ trước khi hai nhà lãnh đạo liên Triều ra tuyên bố chung, nhà báo Daniel McCarthey đã viết một bài bình luận trên tờ The Telegraph nhận định: “Tổng thống Trump sẽ có thể tháo ngòi cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất mà thế giới đối mặt hiện nay. Để tạo lập hòa bình, cần một cách tiếp cận mới và Tổng thống Trump đã tìm ra được”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham phát biểu với Fox News: “Tổng thống Donald Trump đã làm cho Triều Tiên và Trung Quốc tin rằng ông nghiêm túc muốn tạo ra thay đổi. Chúng ta chưa tới được điều đó nhưng nếu xảy ra, Tổng thống Trump xứng đáng giải Nobel Hòa bình”.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, tweet rằng ông Trump, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in và ông Tập Cận Bình nên cùng nhận giải Nobel Hòa bình. Ông thừa nhận: “Tôi từng chỉ trích sai lầm chính sách ngoại giao của ông Trump trong năm ngoái. Nhưng đột phá lịch sử giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày hôm nay không xảy ra nếu không có ưu tiên và áp lực từ Tổng thống Mỹ. Ông Trump xứng đáng được ghi công”.

Trang cá cược Coral của Anh cũng đưa ra cá cược 2 ăn 1 rằng ông Trump và Kim Jong-un sẽ cùng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng thành công hội nghị thượng đỉnh liên Triều nhờ rất nhiều vào thiện chí của chính Triều Tiên và Hàn Quốc, của ông Kim Jong-un và Moon Jae-in. Với nhiều người, đây mới là yếu tố quyết định.

Bắt đầu là thiện chí cởi mở với Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong thông điệp đầu năm mới, tuyên bố sẽ cử một đoàn đại biểu và vận động viên tới dự Olympic mùa Đông ở Hàn Quốc.

Thời gian sau đó là một loạt cuộc tiếp xúc giữa hai bên nhằm xúc tiến đưa đoàn Triều Tiên sang thi đấu, giao lưu ở Hàn Quốc. Olympic ở Hàn Quốc có thể được coi là một sự kiện tan băng đầu tiên khi các vận động viên hai nước cùng diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc.

Triều Tiên còn cử em gái của nhà lãnh đạo Kim Yong-un, bà Kim Yo-jong tới Hàn Quốc, mang theo thông điệp mềm mỏng, thân thiện.

Sau Olympic, khi dư luận lo ngại không khí ngoại giao Olympic sẽ không kéo dài lâu thì hai nhà lãnh đạo liên Triều tiếp tục có động thái tích cực. Họ đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Tiếp đó, ông Kim Jong-un tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa, đồng ý phi hạt nhân hóa vô điều kiện và muốn tập trung phát triển kinh tế.

Về phần mình, khác với các lãnh đạo tiền nhiệm, Tổng thống Moon Jae-in chủ trương khôi phục chính sách Ánh dương với Triều Tiên, tăng cường hợp tác giữa hai miền.

Kết quả của những nỗ lực là một hội nghị thượng đỉnh thành công tốt đẹp ngày 27/4. Hai bên đã ra một tuyên bố chung lịch sử, tiến tới ký hiệp định hòa bình vào cuối năm nay.

Trong tuyên bố chung, hai bên nêu rõ ý nguyện người dân Bán đảo Triều Tiên tự quyết định vận mệnh của mình, một hàm ý dường như là thông điệp dành cho Mỹ và Trung Quốc.

Thắt chặt trừng phạt

Cuộc “đọ sức” giữa ông Trump và chương trình hạt nhân Triều Tiên bắt đầu từ lần đầu tiên ông gặp Tổng thống Barack Obama khi ông vẫn là tổng thống đắc cử. Ông Obama đã nói rằng vấn đề nóng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ là việc Bình Nhưỡng sắp có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ.

Chính quyền Mỹ đã thành công trong thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất từng được áp đặt lên Triều Tiên và thành công trong việc khiến Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Theo CNN, nếu những biện pháp trừng phạt này thực sự là điều khiến Triều Tiên quyết định ngồi vào bàn đàm phán, thì những lời tán dương mà ông Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái có thể được công nhận giá trị.

Trong một dòng tweet ngày 27/4, ông Trump viết: “Xin đừng quên sự hỗ trợ lớn lao của người bạn tốt của tôi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với Mỹ, đặc biệt là tại biên giới Triều Tiên. Không có ông ấy, quá trình sẽ dài hơn nhiều, chông gai hơn nhiều”.


Người ủng hộ ông Trump cho rằng chính những lời lẽ “lửa cháy và thịnh nộ” của ông năm 2017 có thể góp phần tháo bỏ bế tắc ngoại giao trải dài suốt nhiều chính quyền Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, có thể Trung Quốc đã bị thuyết phục rằng ông Trump sẵn sàng làm một điều không thể tưởng tượng nổi nếu cảm thấy Trung Quốc không làm đủ mạnh trong trừng phạt kinh tế Triều Tiên.

Tuy vậy, ngoài ý định tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong-un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, chiến lược ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên dường như vẫn mơ hồ.

Có giành được Nobel Hòa bình hay không còn phải chờ nhưng trước mắt, Tổng thống Trump còn nhiều việc phải làm nếu muốn vượt qua tiền lệ lịch sử. Mọi nỗi lực ngoại giao trước đây để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đều thất bại. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền ông Trump đã giải quyết được vấn đề cơ bản đó, cho dù liên tục tuyên bố không lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, xét phản ứng của ông Trump, một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và Triều Tiên trong cuộc gặp tới đây dường như đang ở trong tầm với.

Theo Báo Tin Tức/TTXVN