Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của tháng 11 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024; tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

W-nganhgo.png
Tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có thể mang về khoảng 16,3 tỷ USD. Nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ với giá trị khoảng 700 triệu USD, tổng xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 17 tỷ USD.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có 20 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%.

Việc tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ góp phần giúp sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam tiếp cận nhiều khách hàng hơn, gia tăng doanh thu và giảm bớt rủi ro khi kênh truyền thống gặp ảnh hưởng. Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp đã tham gia bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan.

Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm chế biến thương mại gỗ hàng đầu thế giới. Với vị thế là nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU...

Trong nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Riêng 4 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 801 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu gỗ để chế biến và tạo giá trị gia tăng và nhập khẩu tăng 26,4%.

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng suy giảm khiến nhiều ngành hàng gặp không ít khó khăn nhưng thương mại điện tử vẫn tăng trưởng rất tích cực. Thêm vào đó phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngược lại, doanh số thương mại điện tử hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc.

Trong bối cảnh đó việc tham gia các sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã tham gia bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan.

“Việc thúc đẩy Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh trong ngành công nghiệp gỗ và các ngành hàng khác và việc tận dụng những lợi thế mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại, ngành gỗ được Amazon đánh giá là ngành hàng nằm trong tốp đầu sử dụng thương mại điện tử có hiệu quả và có doanh thu bán hàng trên nền tảng này thuộc tốp đầu của Việt Nam,” ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.

Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất, đồ mỹ nghệ cần tận dụng hiệu quả các kênh bán hàng này để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, gia tăng doanh thu.

Thành Nam