Đại diện iPrice nhận định, với tốc độ phát triển về mặt nhân sự hiện nay, TMĐT sẽ là một mảnh đất màu mỡ chờ đón các nữ doanh nhân và nữ lãnh đạo Việt Nam trong tương lai gần (Ảnh minh họa: Internet). |
Nhu cầu nhân lực TMĐT tăng hơn 40% sau 2 năm
Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, iPrice Group – Cổng TMĐT hoạt động tại 7 thị trường ASEAN đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu về vai trò và cơ hội dành cho nữ giới trong ngành TMĐT hiện nay và trong tương lai.
Theo số liệu của iPrice về lượng nhân viên tại 5 công ty TMĐT lớn khu vực ASEAN, gồm: Lazada, Shopee, Zalora của Việt Nam cùng Tokopedia, Bukalapak của Indonesia, từ quý 4/2016 đến quý 3/2018, quy mô nhân sự của các công ty này tăng với tỷ lệ lên đến 15% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế trực tuyến ASEAN (10% mỗi năm theo dự báo của Google và Temasek) và vượt xa các khối ngành kinh tế truyền thống.
“Trong 2 năm, nhân sự ngành TMĐT đã tăng trung bình hơn 800 người mỗi quý. Điều này cũng đồng nghĩa với mức tăng trưởng tới hơn 40% kể từ năm 2016”, iPrice cho biết.
Đáng chú ý nhất trong số này chính là Shopee. Số lượng nhân viên của công ty này ở các nước ASEAN đã tăng đến 176% chỉ trong 2 năm. Tức là trung bình mỗi ngày, Shopee lại tuyển thêm 3 nhân viên mới. Theo đánh giá của các chuyên gia iPrice, đây không phải là điều quá bất ngờ nếu nhìn vào những thành công mà Shopee cùng công ty mẹ Garena đã đạt được trong 2 năm qua, bao gồm việc gọi vốn thành công và dẫn đầu thị trường Việt Nam về số lượt truy cập website trung bình hàng tháng, theo Bản đồ TMĐT Việt Nam.
Đại diện iPrice cho rằng các công ty TMĐT như Shopee và Lazada sẽ còn tiếp tục đem đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam trong các năm tới.Không dừng lại tại đó, Shopee cùng với đối thủ lớn nhất của họ tại Việt Nam là Lazada vẫn đang tiếp tục gia tăng về quy mô. Trong số các công ty được khảo sát, Shopee và Lazada chính là hai công ty đang tuyển dụng một cách tích cực nhất: trung bình mỗi quý có 360 việc làm mới đến từ Shopee và 239 từ Lazada.
Thiếu hụt đội ngũ lãnh đạo nữ giới
Nghiên cứu của iPrice còn tiếp tục đi vào tìm hiểu riêng về lực lượng nhân sự nữ giới ở các công ty TMĐT, đặc biệt ở các cấp lãnh đạo. Theo đó, nữ giới hiện chỉ chiếm khoảng 37% ở các cấp bậc quản lý trong các công ty TMĐT lớn ở Việt Nam. Con số này của Việt Nam thấp hơn kết quả từ các nghiên cứu tương tự của iPrice tại hai nước láng giềng Thái Lan và Malaysia. Theo đó, Thái Lan và Malaysia có tỷ lệ phụ nữ ở vị trí lãnh đạo các công ty TMĐT lần lượt là 40% và 42% (số liệu tháng 8/2018).
Đáng chú ý hơn là càng dịch chuyển lên các chức vụ cao hơn thì tỷ lệ này lại càng giảm. Trong khi có tới 44% các trưởng bộ phận và 46% các quản lý là phụ nữ thì chỉ có 29% các giám đốc và 23% nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp TMĐT là phụ nữ.
Các kết quả trên, theo chuyên gia iPrice, tuy một mặt cho thấy sự mất cân bằng về giới tính trong cấp lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ nhưng mặt khác cũng chỉ ra được một khoảng trống cơ hội đang đón chờ các chị em phụ nữ. Cùng với sự phát triển của toàn ngành TMĐT nói chung, vai trò của nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp TMĐT sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Cụ thể, số liệu từ công ty nghiên cứu comScore cho thấy phụ nữ chiếm 58% tổng số lượt tham gia mua sắm trực tuyến, và đồng thời là yếu tố quyết định đến 83 - 87% xu hướng mua sắm của thị trường tiêu dùng.
Đặc biệt, tại ASEAN, thời gian trải nghiệm trên các sàn giao dịch mua sắm trực tuyến của phụ nữ nhỉnh hơn đến 40% - một con số đáng được các nhà đầu tư quan tâm, iPrice nhận định.
Những số liệu này cho thấy các công ty TMĐT luôn cần có các chiến lược nhắm tới đối tượng khách hàng nữ giới. Và để thực hiện được điều đó, việc thấu hiểu được tâm lý và nắm bắt được xu hướng của nữ giới là một yếu tố tối cần thiết. Đó là một lợi thế quan trọng của lao động nữ khi tham gia làm việc trong ngành TMĐT.
Về đề tài này, tại hội thảo “Phụ nữ là Doanh nhân: Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai” tổ chức hồi tháng 1/2019, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) đã cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Đại diện iPrice cũng nhận định, với tốc độ phát triển về mặt nhân sự hiện nay, TMĐT sẽ là một mảnh đất màu mỡ chờ đón các nữ doanh nhân và nữ lãnh đạo Việt Nam trong tương lai gần.
Chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố quyết định
Cũng theo nghiên cứu của iPrice, trong các công ty TMĐT, bộ phận có nhu cầu nhân sự lớn nhất là Operations (Vận hành hoạt động). Theo sau đó lần lượt là các bộ phận Marketing, Kỹ thuật, và CNTT ở vị trí thứ 6.
Đặc biệt, nhân tài trong các chuyên ngành công nghệ cao như lập trình phần mềm, digital marketing, khoa học dữ liệu hoặc product marketing đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty TMĐT và hiện đang rất được săn đón.
Tuy vậy, theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2018 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) thực hiện, nhân sự đáp ứng đủ các nhu cầu trên hiện thuộc vào dạng đặc biệt “hiếm có khó tìm” tại Việt Nam. Khảo sát của VECOM chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên có kỹ năng TMĐT và CNTT có xu hướng tăng theo từng năm. “Vì lý do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng nhân lực trẻ trong thời gian tới sẽ là một yêu cầu hàng đầu cho toàn ngành TMĐT. Thực hiện được điều này cần sự cố gắng từ cả các công ty tuyển dụng và các đơn vị đào tạo”, iPrice nhận định.
Một tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, đã có thêm nhiều trường đại học trong nước giới thiệu các chương trình đào tạo chuyên ngành TMĐT như ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, hay gần đây nhất trong mùa tuyển sinh 2018 Đại học CNTT TP.HCM và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã chính thức mở và tuyển sinh ngành TMĐT.
Nói về định hướng đào tạo của ngành TMĐT, đại diện PTIT cho biết, ngành học này của Học viện sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần thiết để hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành quá trình kinh doanh thông qua các phương tiện điện tử. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành TMĐT của PTIT có thể là những chuyên viên quản lý kinh doanh thương mại, marketing; quản lý và phụ trách tư vấn các giải pháp phát triển hệ thống thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu tại các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về TMĐT, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, hay nhà sáng lập doanh nghiệp TMĐT.
Đặc biệt, việc chuẩn bị cho các sinh viên những kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế hiện đã được nhiều trường quan tâm. Đơn cử như, với PTIT, đơn vị này đã ký kết hợp tác, mời doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo các học phần kiến thức liên quan đến lĩnh vực TMĐT của trường. Hay tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng, các sinh viên chuyên ngành TMĐT được tham gia học thực tế tại doanh nghiệp lên đến 35% số tín chỉ. Thông qua việc học thực tế và kết hợp với kiến thức học tại nhà trường sẽ giúp sinh viên có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp cũng như bắt kịp thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp.