Nhu cầu mua sắm online đón Tết tăng mạnh từ vài tuần gần đây và tiếp tục tăng cao. Tiki cho hay trong 4 tuần trước Tết đến hiện tại, doanh thu toàn sàn tăng 40%.
Để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm tăng cao sát Tết cổ truyền, Tiki tăng ít nhất 30% lượng hàng hóa ngành hàng tiêu dùng so với Tết năm ngoái, tập trung vào sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sữa, gia vị…
Đồng thời, sàn này cũng phối hợp với nhà bán chuẩn bị hàng hóa từ nhiều tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức đến thiết kế, sản xuất bao bì mới, các giỏ quà mang đậm không khí Tết.
Nhân viên kiểm hàng trong kho một đơn vị vận chuyển. |
Cùng với sức nóng của việc sắm sửa trên thương mại điện tử, các đơn vị giao hàng cũng phải chạy theo để đáp ứng nhu cầu.
Ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam, cho biết nhu cầu vận chuyển dịp Tết tăng đột biến, doanh nghiệp đã chuẩn bị rất kỹ về hạ tầng xử lý đơn hàng cũng như đội ngũ nhân viên giao nhận.
Các đơn vị vận chuyển đang tất bật quản lý số lượng đơn hàng “khủng” nhưng phải đảm bảo bưu kiện tới được tay người tiêu dùng đúng hạn. Muốn vậy, họ phải xây dựng các kế hoạch kiểm tra, bổ sung máy móc, trang thiết bị, bố trí nhân sự ở tất cả các khâu. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển nhằm tối ưu hóa quy trình xử lý là bắt buộc.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát hết, nhân viên giao hàng và các kho bãi phải tuân thủ 5K và thực hiện khử khuẩn hàng hóa để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân sự lẫn khách hàng.
Ghi nhận của Tiki cho thấy, sức mua hàng hoá tăng tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng.
Ngoài ra, sản phẩm trang trí nhà cửa được chọn mua nhiều với số lượng khách hàng tìm kiếm các nhóm ngành hàng nội thất, trang trí nhà cửa, sửa chữa nhà cửa trên Tiki tăng trưởng 45%, tập trung vào bàn ghế, giường tủ, tranh trang trí… Bên cạnh đó, lượng đơn hàng giao nhanh 2 giờ có xu hướng tăng, phần nào thể hiện sự tất bật sắm sửa kịp thời trước Tết của người tiêu dùng.
Thống kê trước đó của Lazada cho thấy khách hàng tập trung mua sắm các sản phẩm phục vụ Tết nhiều hơn. Những mặt hàng bán chạy nhất là khẩu trang, máy đo huyết áp và thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm làm sạch và trang trí nhà cửa cũng được chọn mua nhiều, cụ thể là: thiết bị, vật dụng hỗ trợ dọn dẹp, giặt ủi (cây lau nhà, nước giặt, nước xả vải), nội thất (nệm, ghế) cùng các sản phẩm đặc trưng cho Tết như phong bao lì xì.
Lazada nhận định việc người dân chọn mua hàng hoá onine nhiều hơn dịp cuối năm cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Sức mua trực tuyến tăng cao cũng góp phần thúc đẩy hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển mạnh. Ông James Dong – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan đánh giá những chương trình mua sắm cuối năm góp phần giúp các thương hiệu và nhà bán hàng tiếp tục phục hồi, tăng trưởng doanh thu sau một năm đầy biến động vừa qua.
Theo báo cáo Xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 của Kantar, người dân Việt Nam có nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh hơn so với năm 2021 bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Cụ thể, tỷ lệ chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2022 sẽ tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hải Đăng
Sàn thương mại điện tử giảm giá, người dân sắm Tết online tăng mạnh
Do các sàn giảm giá kích cầu, xu hướng sắm Tết online của người dân tiếp tục tăng mạnh so với trước.