Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Hà Lan bao gồm: Điện thoại, đồ điện tử, dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan máy móc thiết bị, linh kiện, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm sữa... Như vậy, nhu cầu của thị trường Hà Lan đang có những dấu hiệu khởi sắc ở hầu hết các nhóm hàng từ nông sản tới điện tử và hàng tiêu dùng.
Điều này mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi thuế quan từ lộ trình của Hiệp định EVFTA và nhu cầu thị trường đang dần hồi phục đáng kể.
Theo Tham tán Thương mại Võ Thị Ngọc Diệp, đối với thị trường Hà Lan, nông nghiệp được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào Hà Lan/EU là thủy sản, gạo, rau quả... đã đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên vào Hà Lan tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 - 2022, đặc biệt năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với các mặt hàng cà phê (tăng 170%), rau quả (tăng 48%), gạo (tăng 28%), thủy sản (tăng 18%), hạt tiêu (tăng 10%).
Thời gian tới, theo lộ trình giảm thuế của EVFTA, hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với nhiều mặt hàng cùng loại đến từ các nước châu Á. Do đó, cơ hội phát triển thị trường này là rất lớn. Chưa kể, Hà Lan là thị trường cửa ngõ, và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu. Từ cảng Rotterdam - điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều quốc gia EU khác.
Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam tại Hà Lan còn khá khiêm tốn. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường các hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan.
Để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt Nam tại thị trường Hà Lan, Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần nghiêm ngặt tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn khi xuất khẩu vào thị trường Hà Lan hay EU nói chung vì đây đều là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao.
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, chỉ cần Hải quan Hà Lan/EU phát hiện vi phạm quy định liên tiếp thì sẽ nâng tần suất kiểm tra các mặt hàng cùng loại, thậm chí lan rộng ra các mặt hàng giống thành phần nguyên liệu. Như vậy, việc không tuân thủ của một hay một vài doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt, hay doanh nghiệp Việt.
Do vậy, việc tuân thủ quy định là việc doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu khi xuất khẩu vào thị trường này, chưa kể ngày càng nhiều tiêu chí xanh, sạch mà các nước thành viên EU đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng bản địa, giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, thiết kế bao bì nhãn mác “hợp gu” của người tiêu dùng Hà Lan cũng rất quan trọng, ngoài việc thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định, cần có hướng dẫn sử dụng thuận tiện, đặc biệt với những mặt hàng, sản phẩm còn mới mẻ với người dùng.