Các nhà sản xuất châu Âu cần để mắt tới “sự độc quyền” của Trung Quốc về việc khai thác và sản xuất đất hiếm, trong bối cảnh nhiều nước đang hướng tới ngành năng lượng điện.
Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết đối với quá trình sản xuất công nghệ cao và được sử dụng trong sản xuất ôtô điện, tua bin gió, nam châm và loa.
“Đây là tin tốt không chỉ với công ty mà còn với địa phương và người dân Thụy Điển, cũng như cho cả châu Âu”, Reuters dẫn lời ông Jan Mostrom, Giám đốc điều hành LKAB.
Hiện tại, châu Âu đang phải phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ khu vực khác. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất hiếm được cho là ngày càng tăng trong những năm tới do ảnh hưởng của xu hướng sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch nhấn mạnh, “điện khí hóa, khả năng tự cung tự cấp và độc lập của Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu từ mỏ đất hiếm này”.
Thụy Điển đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, và được xem là một phần quan trọng trong chiến lược tự cung tự cấp các loại khoáng sản quan trọng của EU.
Ủy ban châu Âu (EC) coi đất hiếm là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với khu vực. Trên thực tế, phần lớn đất hiếm đang được khai thác ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chặng đường tiến tới khai thác mỏ đất hiếm ở Thụy Điển sẽ còn rất dài. LKAB cho biết có thể sẽ mất ít nhất 10-15 năm trước khi bắt đầu khai thác mỏ đất hiếm này và đưa ra thị trường.
Quá trình phê duyệt các mỏ khai thác mới ở Thụy Điển cũng rất khắt khe và kéo dài, do hoạt động này thường làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến tài nguyên nước và đa dạng sinh học ở địa phương.
Ngoài ra, ông Erik Jonsson, nhà địa chất cấp cao tại Cục Tài nguyên Khoáng sản thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Thụy Điển, cho hay châu Âu hiện thiếu năng lực toàn diện để xử lý đất hiếm và tạo ra các sản phẩm trung gian.
Minh Thu