Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về đất hiếm, tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh sử dụng nguồn khoáng sản này làm vũ khí thương chiến với Mỹ sẽ gặp nhiều hạn chế.

{keywords}
Một mỏ đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc vẫn có quyền ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, nhưng các nhà phân tích Phố Wall nhận định động thái đó sẽ không trở thành nhân tố "thay đổi cuộc chơi" trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. “Chúng tôi đánh giá rằng ảnh hưởng đối với Mỹ sẽ là vừa phải, đó là lý do chúng tôi nghi ngờ Bắc Kinh sẽ ‘bóp cò’ với mối đe dọa đặc biệt này”, hãng tin CNBC dẫn lời các nhà phân tích của Raymond James (công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư ở Mỹ) là Ed Mills và Pavel Molchanov cho biết.

Tuần trước, Hoàn Cầu thời báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh có thể sớm ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ. Lời đe dọa này được đưa ra trước thềm sự kiện lệnh tăng thuế đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ có hiệu lực trong dịp cuối tuần qua.

Đáo lại, Bộ Thương Mại Mỹ hôm 4/6 cam kết sẽ “hành động chưa có tiền lệ” nhằm đảm bảo Mỹ sẽ không bị cắt nguồn cung đất hiếm. Bộ này công bố bản báo cáo vạch rõ những bước đi nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm sẽ có chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu.

Mỹ không dùng nhiều đất hiếm

Đất hiếm là một tập hợp gồm 17 nguyên tố hoá học, được sử dụng trong sản xuất ra nhiều loại hàng hóa điện tử tiêu dùng và quốc phòng.

Gọi là đất hiếm, nhưng các loại khoáng sản này không thực sự hiếm mà chỉ được sản xuất với số lượng tương đối thấp hơn so với các kim loại khai thác mỏ rộng rãi khác như đồng. Đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây, do được sử dụng ngày một nhiều trong các thiết bị công nghệ cao, các loại xe điện và sản xuất quốc phòng.

Việc Trung Quốc khai thác tới 70% lượng đất hiếm của thế giới trong năm 2018 đã khiến một số nhà phân tích dấy lên cảnh báo về ảnh hưởng đối với các ngành công nghiệp Mỹ vốn phụ thuộc vào đất hiếm. Tuy nhiên, theo Raymond James, Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu cần cho sản xuất. Đó là lý do Mỹ chỉ chi tiêu một khoản khiêm tốn là 160 triệu USD trong năm 2018 để nhập khẩu đất hiếm phục vụ sản xuất.

“Lý do khá rõ ràng: Nước Mỹ chỉ sản xuất một lượng giới hạn các sản phẩm công nghệ cao gắn chặt với đất hiếm. Các thiết bị điện tử tiêu dùng (như máy tính, smartphone, màn hình TV phẳng) và các loại hàng hóa công nghiệp (như pin xe điện, tuốc-bin gió, tia laser, sợi quang) lại không được sản xuất tại Mỹ với quy mô như ở chính Trung Quốc hoặc các nước láng giềng châu Á”, hai chuyên gia Mills và Molchanov viết trong báo cáo.

{keywords}
hủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây hồi tháng 5. (Ảnh: THX)

Không phải 'quân át chủ bài'

Trong khi đó, CNBC dẫn nguồn từ Viện đầu tư Wells Fargo cho biết lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ đẩy các nhà sản xuất Mỹ sử dụng nhóm kim loại này vào khó khăn, làm tăng chi phí sản xuất, thậm chí gây đình trệ sản xuất. Tuy nhiên Wells Fargo cũng nhận định lệnh cấm sẽ không trao cho Bắc Kinh quân át chủ bài trong cuộc chiến thương mại.

Dù vậy, việc bị chặn tiếp cận với kim loại đất hiếm có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Raymond James cảnh báo tác động của "vũ khí" đất hiếm có thể lớn hơn nếu như Bắc Kinh tìm cách ngăn cản các công ty không phải của Mỹ trên thế giới làm ăn với các nhà sản xuất Mỹ cần đất hiếm, thay vì chỉ hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc sang các nhà máy tại Mỹ.

Nhưng thực tế cho thấy những nỗ lực trước đây của Bắc Kinh nhằm hạn chế nguồn cung đất hiếm đã không mấy thành công. Khi Trung Quốc giảm các chuyến hàng đất hiếm vào năm 2010, giá đất hiếm tăng mạnh, tạo ra cơ hội cho các quốc gia khác tăng cường sản xuất. Ngoài ra, “cái khó ló cái khôn”, các nhà sản xuất Mỹ cũng tìm ra nhiều giải pháp để sử dụng ít hơn kim loại đất hiếm trong các sản phẩm của mình.

Ngoài ra, một lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu đất hiếm tới Mỹ sẽ là không thực tế bởi các công ty Mỹ vẫn có thể đảm bảo nguồn cung từ các nước khác như Malaysia, Nhật Bản, dù chịu giá cao hơn. Có tới 80% nhu cầu của Mỹ về đất hiếm đã qua xử lý là dành cho nguyên tố lanthanum và cerium, mà cả hai đều được cung cấp nhiều trên khắp thế giới.

Một điều chắc chắn nữa là, các hiệu ứng có thể được cảm nhận rõ rệt hơn ở một số ngành công nghiệp. Raymond James lưu ý rằng, ngành lọc dầu của Mỹ cũng sử dụng đất hiếm, trong khi ngành sản xuất ô tô có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Báo Tin tức