- Việc xả lũ của nhà máy thủy điện An Khê – KaNak vào lúc 1 giờ sáng 1/11 khiến nhiều huyện trở tay không kịp...

Xả lũ 1 giờ sáng

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành vừa ký công điện khẩn gửi các cơ quan ban ngành yêu cầu giám sát, chấn chỉnh việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và triển khai các biện pháp phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi.

{keywords}

Thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ lúc 1giờ sáng khiến dân bất ngờ

Công điện nêu, ngày 1/11, thuỷ điện An Khê - Ka Nak bất ngờ xả lũ với mức xả 200m3/s và đến 11 giờ ngày 2/11 thì nâng mức xả lũ lên 600m3/s. Việc xả lũ không được thông báo cho chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh biết để chỉ đạo ứng phó lũ lụt.

Theo lãnh đạo tỉnh, việc xả lũ đột ngột nói trên rất dễ xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân nếu không triển khai kịp thời các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Trong khi đó, các địa phương phía hạ nguồn cho biết nhận được tin báo về việc xả lũ của nhà máy thủy điện An Khê – KaNak vào lúc 1 giờ sáng 1/11 khiến họ không kịp trở tay.

{keywords}

Nhà dân ở thị xã Ayun Pa bị ngập - ảnh: Tuệ Mẫn

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị quản lý và khai thác vận hành hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn phải nghiêm chỉnh chấp hành việc xả lũ đúng theo quy định; xả với lưu lượng hợp lý trước khi có dị báo mưa lũ, tránh xả lũ dồn dập gây thiệt hại cho vùng hạ du các thủy điện, thủy lợi.

Các địa phương thông báo gấp cho nhân dân vùng hạ du về việc triển khai các biện pháp ứng phó. Mọi chậm trễ trong việc thông tin, báo cáo việc vận hành xả lũ, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành lệnh xả lũ hồ chứa và việc tự ý xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi thì các chủ đập phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Gia Lai chỉ đạo, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ TNMT kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các chủ hồ thuỷ điện, thuỷ lợi tuân thủ việc xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; định kỳ 15 giờ hàng ngày phải báo cáo mọi công tác để UBND tỉnh theo dõi, xử lý.

Nước lũ cô lập nhiều địa phương, một người tử vong

Theo Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, hiện lũ ở hạ lưu các sông thuộc hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum…đang lên cao.

{keywords}
{keywords}

Nước chia cắt địa bàn xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ, Gia Lai

Trong ngày 3/11, lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, mực nước ở các sông, suối dâng nhanh kèm theo dòng chảy xiết đã khiến nhiều nơi tại Gia Lai bị chia cắt, cô lập.

Có 10 hộ dân ở phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) và hơn 10 công nhân ở một lò gạch gần bờ sông Ba bị ngập sâu, hiện đang được các lượng lượng chức năng tiếp cận để sơ tán.

Quốc lộ 25 qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) cũng bị ngập sâu gần 1m, kéo dài hơn 400m gây chia cắt. Đèo Tô Na nằm trên quốc lộ này cũng bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến giao thông.

{keywords}

Đèo Tô Na, trên quốc lộ 25, qua thị xã Ayun Pa bị sạt lở

Tại Kon Tum, mưa lớn nhiều ngày qua đã gây sạt lở ở các xã Đắk Nên, Đắk Đring (huyện Kon Plông). Các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Hiện địa phương này đang huy động các lực lượng tập trung để xử lý các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; đồng thời vận động người dân không đi lại qua các sông suối, không vào rừng sản xuất, đưa gia súc, gia cầm về nơi an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn nhiều ngày qua có mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông suối lên nhanh gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là các huyện phía Đông của tỉnh như: Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk…

{keywords}

Mưa lụt đã cuốn trôi mất tích một người dân tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk 

Cụ thể, tại huyện Ea Kar, sáng ngày 3/11, nước lũ đã làm lật thuyền, cuốn mất tích một người dân khi đi đánh cá. Nạn nhân là Đào Văn Hòa (26 tuổi, trú thôn 7, xã Cư Yang). Đến khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, thi thể anh Hòa đã được tìm thấy.Toàn huyện có khoảng 250 ha lúa và hoa màu bị ngập, một số gia súc bị cuốn trôi.

Tại huyện M’Đrắk, các hồ chứa đều qua tràn phổ biến từ 0,5 - 1m. Các xã Cư San, Ea Riêng, Krông Jin, Cư Prao một số đoạn đường giao thông nông thôn, đường liên xã bị ngập cục bộ gây ách tắc giao thông. UBND huyện đã di dời 4 hộ dân (3 hộ làm nhà ở sườn đồi có nguy cơ sạt lở đất, 1 hộ có nguy cơ bị cô lập).

Huyện Krông Bông có khoảng 500 ha cây trồng bị ngập. Tại xã Hòa Phong đường ngập sâu từ 1 – 2m khiến hàng trăm hộ dân ở các thôn 5, 6 bị cô lập. Toàn huyện đã di dời 41 hộ dân (1hộ bị sạt lở đất, 40 hộ bị ngập) đến nơi an toàn. Cầu K12 thuộc xã Hòa Lễ trên tỉnh lộ 12 bị sạt lở 1 mố; đường cứu hộ, cứu nạn liên xã Hòa Phong - Cư Pui, đoạn quan Buôn Ngô A bị sạt trôi 5m.

Trùng Dương