Sáng 28/12 (giờ Việt Nam), cảnh sát thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ xác nhận nghi phạm đánh bom tại thành phố này có tên Anthony Quinn Warner, 63 tuổi đã thiệt mạng sau vụ việc.
Nguyên nhân vụ đánh bom vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, theo một người từng làm việc cùng nghi phạm, cơ quan điều tra đang nghi ngờ vụ việc có liên quan tới các thuyết âm mưu về 5G.
5G có liên quan gì tới vụ đánh bom?
Steve Fridrich, một người làm trong ngành bất động sản đã liên hệ với FBI sau khi nghe tên nghi phạm Warner trên báo. Ông này nói với đài truyền hình WSMV rằng các mật vụ đã hỏi liệu Warner có bị ám ảnh với công nghệ 5G.
Vụ nổ xảy ra vào rạng sáng ngày 25/12 tại thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: AP. |
Ông Fridrich cho biết một người có tên Tony Warner từng làm việc cho mình ở bộ phận công nghệ thông tin. Đài WSMV cũng dẫn lời một người biết về quá trình điều tra rằng FBI muốn tìm hiểu liệu nghi phạm Warner có bị ám ảnh và cho rằng công nghệ 5G được sử dụng để theo dõi người dân Mỹ.
Phát ngôn viên của FBI sau đó cho biết không thể bình luận thêm về các vụ việc đang được điều tra.
Thị trưởng thành phố Nashville cũng cho rằng có thể có mối liên hệ giữa những thuyết âm mưu 5G và vụ đánh bom nói trên.
"Với những người dân địa phương, dường như có một sự kết nối giữa những cơ sở của nhà mạng AT&T và điểm đánh bom. Đó hoàn toàn là suy nghĩ từ một người dân địa phương, nhưng rõ ràng là có liên quan gì đó với những cơ sở hạ tầng", ông John Cooper, thị trưởng Nashville nói trên chương trình của đài CBS.
Theo Newsweek, bang Tennessee là một trong những nơi có trào lưu phản đối 5G nóng nhất tại Mỹ. Vào ngày 4/12/2019, một vụ phóng hỏa các trạm phát sóng tại khu vực Memphis đã gây thiệt hại 120.000 USD, trở thành vụ tấn công nhắm tới các trạm phát 5G đầu tiên tại Mỹ.
Tới tháng 2, 5 trạm phát sóng 5G khác đã bị tấn công tại bang này. Vào tháng 3 và 4, cảnh sát đại phương đã điều tra hơn 5 vụ phóng hỏa liên quan tới thuyết âm mưu 5G.
Vì sao 5G lại dính tới thuyết âm mưu?
Thuyết âm mưu về 5G đang ngày càng phổ biến, nhất là trong năm 2020 khi thế giới trải qua đại dịch Covid-19. Guardian cho rằng những giả thuyết do các trào lưu cực hữu như QAnon đặt ra khiến nhiều người nghi ngờ công nghệ mạng mới nhất.
Không chỉ đưa ra những âm mưu như 5G là công cụ theo dõi của chính quyền hay gây ung thư, những nhóm này còn cho rằng 5G gây ra hoặc giúp Covid-19 lan truyền rộng rãi hơn.
Các thuyết âm mưu khiến một bộ phận người dân Anh tin rằng mạng 5G gây ra Covid-19 và đi tấn công những trạm phát sóng. Ảnh: Business Insider. |
Theo những luận điểm sai trái được rêu rao trong các nhóm Facebook, WhatsApp hay YouTube, sóng vô tuyến truyền đi với công nghệ 5G đang gây ra những thay đổi nhỏ đối với cơ thể người khiến họ bị nhiễm virus.
New York Times thậm chí đã phát hiện ra 487 cộng đồng Facebook, 84 tài khoản Instagram, 52 tài khoản Twitter và hàng chục bài đăng và video khác nhau thúc đẩy thuyết âm mưu này, thu hút gần nửa triệu người theo dõi mới chỉ trong vòng 2 tuần.
Vì giai đoạn triển khai các trạm 5G trong năm nay trùng hợp với đại dịch Covid-19, nhiều người dân đã tin rằng chính quyền đang bắt mọi người ở trong nhà để họ có thể lắp đặt cơ sở hạ tầng cho mạng viễn thông này một cách bí mật.
Thuyết âm mưu thậm chí lôi kéo tỷ phú Bill Gates vào câu chuyện, cho rằng ông sẽ sử dụng các hạt nano siêu nhỏ có trong vaccine ngừa Covid-19 và sử dụng tháp 5G làm công cụ phát tán chúng ra xung quanh, hòng điều khiển trí não con người.
Trụ phát sóng 5G bị đốt tại Birmingham, Anh vào tháng 4. Trong năm nay, đã có 159 trạm phát sóng tại nước này bị tấn công vì thuyết âm mưu 5G. |
Điều đó dẫn tới trào lưu đốt phá, tấn công trạm phát sóng 5G tại nhiều quốc gia.
Riêng tại Anh, theo báo cáo của Văn phòng Viễn thông Chính phủ xuất bản vào tháng 12, trong năm qua đã có 159 vụ tấn công vào các trạm phát vì chống lại công nghệ 5G. Nhiều trường hợp đã gây gián đoạn dịch vụ viễn thông. Tổng cộng, các vụ tấn công khiến trạm phát dừng hoạt động khoảng 170.000 giờ.
Giới khoa học đã nhiều lần khẳng định 5G không gây hại tới sức khỏe hơn các loại sóng viễn thông khác. Tất cả các sóng không dây đều phát bức xạ không ion hóa. Các bức xạ của sóng di động chỉ đủ năng lượng để kích hoạt các nguyên tử nhưng không ion hóa chúng.
Mặt khác, bức xạ ion hóa, như tia cực tím hoặc tia X, có đủ năng lượng để không chỉ làm rung động các nguyên tử và phân tử mà còn làm ion hóa chúng, điều này có thể dẫn đến những thay đổi bất lợi trong cấu trúc DNA, và cuối cùng dẫn đến ung thư.
Do vậy, các loại sóng di động sẽ không gây hại cho sức khỏe. Đây là kết luận chung của giới khoa học. Những thuyết âm mưu cho rằng 5G dẫn tới ung thư chủ yếu xuất phát từ Nga.
Theo Zing
Các trạm phát sóng 5G của Anh bị đốt do thuyết âm mưu liên quan đến Covid-19
Theo BBC, ít nhất 3 trạm phát sóng 5G ở Anh đã bị đốt sau khi các thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng xã hội và đưa ra các thông tin sai lệch về sự liên quan giữa các trạm phát sóng di động với đại dịch Covid-19.