Sửa Luật các tổ chức tín dụng
Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các TCTD cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các TCTD yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD tồn tại một số vướng mắc với các Luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,... và phát sinh một số vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ thành viên HĐQT, HĐTV trong quá trình áp dụng trên thực tiễn.
Đặc biệt quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô cần tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của hệ thống QTDND, Tổ chức tài chính vi mô.
Sau hơn 12 năm triển khai thi hành Luật các TCTD, hoạt động của các TCTD đã có nhiều phát triển. Một số nghiệp vụ của TCTD chưa được quy định tại Luật các TCTD gây khó khăn trong việc thực hiện, ví dụ như: hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý thanh toán…
Theo đó, tại dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng (Điều 93, Điều 96, Điều 97) theo hướng: Bỏ quy định về áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi cấp tín dụng, theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.
Mặt khác, dự thảo định hướng đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống. Theo đó, đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có giá trị nhỏ, cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng qua thẻ, khách hàng chỉ cung cấp tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính cho TCTD.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng bao gồm hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Sửa loạt Thông tư nâng khả năng tiếp cận vốn
Ngoài ra, NHNN đã ban hành các Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 về bảo lãnh ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 01/4/2023), trong đó bổ sung quy định về bảo lãnh điện tử để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận dịch vụ bảo lãnh ngân hàng.
Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trong đó có bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn; cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác; vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm....
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT- NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Về rà soát quy trình, thủ tục cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng, NHNN đã làm việc với các TCTD về rà soát thủ tục, quy trình cho vay để chỉ đạo các TCTD tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, NHNN cũng đã rà soát các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng (bao gồm cả các loại phí liên quan đến hoạt động cho vay và các loại phí khác mà khách hàng vay vốn có thể phải trả) và có văn bản chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.